Đi tìm bí quyết nhãn hiệu na Chi Lăng?

PV.

(Taichinh) - Nhãn hiệu na Chi Lăng có được thành quả như ngày hôm nay là cả quá trình kết hợp nhiều yếu tố, khi đã xác định được thế mạnh của huyện, các cấp chính quyền và người dân đã luôn chủ động áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ , thông qua các giai đoạn phát triển của cây na, để tạo ra quả na to, đều nhau và có chất lượng tốt, biết khai thác lợi thế thông qua việc giới thiệu sản phẩm gắn với nhãn hiệu.

Nhãn hiệu na Chi Lăng không chỉ có danh tiếng mà còn được bạn bè gần xa tìm đến.
Nhãn hiệu na Chi Lăng không chỉ có danh tiếng mà còn được bạn bè gần xa tìm đến.

Giống na Chi Lăng trái to, vị quả ngọt và bùi, là loại quả đặc sản của Lạng Sơn. Do hợp khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, quả cho năng suất cao, sau mỗi vụ thu hoạch trên toàn huyện thu về vào khoảng 100 tỷ đồng. Năm 2011, na Chi Lăng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Quyết định trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là bước đà lớn để sản phẩm na chất lượng có đầu ra tiêu thụ hiệu quả và khẳng định uy tín na Chi Lăng trên thị trường. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là làm sao để quả na của Chi Lăng không chỉ có danh tiếng mà còn được bạn bè gần xa tìm đến.

Đâu là điểm xuất phát để người dân Chi lăng thoát nghèo và đang làm giàu từ cây na như ngày hôm nay? Làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng và lãnh đạo thị trấn Đồng Mỏ, trực tiếp gặp gỡ người dân trồng na chúng tôi thấy ai ai cũng háo hức đua nhau làm giàu, nhưng tựu chung lại đó nhà khoa học và người dân đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong trồng na. Những bài học kinh nghiệm đó là:

-Tạo tán đốn cành cho cây na: Khi những vườn na già cỗi, cho năng suất thấp, người dân đã mạnh dạn nghiên cứu phương pháp tạo tán, đốn ngọn, tỉa cành và thụ phấn cây na bằng tay, trực tiếp học hỏi kỹ thuật rồi tập huấn cho bà con. Ban đầu, mọi người ngạc nhiên vì tạo tán, đốn cắt cụt ngọn cho cây na thấp ngang đầu người, tỉa cành và thụ phấn bằng tay theo truyền thống chưa từng ai làm, chưa có sách nào hướng dẫn.

Để thụ phấn cho cây na bằng tay, người trồng na đã cầm xi lanh đến từng nhụy hoa, lấy phấn từ những nhụy hoa to, tỷ mỷ đến từng nhụy hoa khác để thụ phấn. Kết quả, phương pháp đốn ngọn tỉa cành và thụ phấn nhân tạo đã đem lại tỷ lệ đậu quả đạt trên 98 %, năng suất cao hơn, quả na chín sớm, dễ bán; cây thấp nên việc phun thuốc trừ sâu và thu hái thuận lợi hơn.

- Sáng tạo ra ròng rọc để vận chuyển na xuống núi, chuyển phân lên núi:Khi đến mùa quả chín trăn trở vì tính rủi ro cao của người nông dân, người dân đã sáng tạo ra ròng rọc để tải na từ trên núi xuống. Trung bình chỉ mất từ 4 đến 5 phút là cả gánh na nặng đã được đưa xuống núi. Một công đôi việc, đến mùa chăm sóc cây, ròng rọc lại làm nhiệm vụ tời phân bón lên trên các dãy núi. Đã có ròng rọc đỡ một phần vận chuyển nặng nhọc trên vai trong mùa thu hái, nhưng chúng tôi cảm nhận rất rõ sự nhọc nhằn vất vả qua gương mặt, quần áo ướt đẫm mồi hôi của họ. Trong mùa thu hoạch na từ tháng 7 đến tháng 9 người dân lên núi hái na từ 5 giờ sáng, thường đến 8, 9 giờ thì vận chuyển na xuống núi, vất vả là vậy nhưng na thu hoạch đến đâu, có người thu mua, phân loại ngay tại chỗ và vận chuyển đi các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phóng, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Thọ… các tỉnh miền núi ngay trong ngày.

- Chủ trì thực hiện dự án khoa học“Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Na Chi Lăng” cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” nhằm duy trì, phát triển thị trường bền vững, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng. Dự án thành công đã và đang góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu na của địa phương, từ đó liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản, xây dựng vùng trồng na phát triển bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và xây dựng nông thôn mới tại huyện Chi Lăng nói riêng.