Tái cơ cấu nông nghiệp tại Cần Thơ
(Taichinh) - Nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế của Cần Thơ. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn bước đầu đã phát huy được hiệu quả.
Kết quả bước đầu
Theo báo cáo mới đây của UBND thành phố Cần Thơ với Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố thì việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn (theo Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ) bước đầu đã phát huy được hiệu quả: Các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mở rộng; Đã xây dựng được các chuỗi nông sản chủ lực của thành phố (vùng tập trung cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái, vùng sản xuất rau an toàn, vùng nuôi cá tra theo theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học,…); Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; Hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản, chế biến nông sản cơ bản được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người nông dân.
Tuy nhiên, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ thời gian qua cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp, tiểu thu công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển xứng tầm; Chất lượng và năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản còn thấp; Kinh phí đầu tư, hỗ trợ để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo mục tiêu thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; Ggiá cả hàng hóa nông sản chưa ổn định; Kinh phí bố trí để thực hiện chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa xứng tầm; Chất lượng hoạt động các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp chưa phát huy được hiệu quả…
Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ, địa phương đang triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị. Từ nay đến năm 2020, Cần Thơ sẽ chuyển đổi toàn diện cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là đổi giống mới cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Cần Thơ đưa gần 100.000 đất nông nghiệp sản xuất cây con gắn với các cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ, trong đó đưa 20.000 ha vào ứng dụng kỹ thuật cao, chuyển 25.000 ha đất trồng lúa hiệu quả chưa cao sang nuôi trồng thủy sản và cây con khác.
Bên cạnh đó, Cần Thơ sẽ tiến hành nạo vét, tạo nguồn, ngăn lũ, bảo đảm cho hệ thống thủy lợi khép kín, chủ động tưới tiêu, kiểm soát lũ chiếm 90% diện tích đất nông nghiệp; tăng cường công tác khuyến nông, đưa cán bộ xuống cơ sở giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, xây dựng nhiều mô hình sản xuất tiến bộ, hiệu quả cao. Đồng thời, đưa diện tích lúa sử dụng giống xác nhận chiếm 75% diện tích. Các khâu làm đất, bơm tưới, sấy lúa, gặt bằng máy đạt từ 50 – 100%. Cùng với đó, Cần Thơ triển khai dự án xây dựng 3 khu nông nghiệp công nghệ cao đặt tại Trung tâm giống nông nghiệp, Nông trường sông Hậu và Nông trường Cờ Đỏ nhằm điều phối hoạt động của mạng lưới nông nghiệp công nghệ cao; phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới nhằm cải tạo, sản xuất, nhân giống (tinh, chuẩn) cây trồng, vật nuôi; đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật mới; chuyển giao, trình diễn công nghệ; thông tin, quảng bá, thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đại trà giống cây con, qui trình canh tác, nuôi trồng, tồn trữ, chế biến nông sản.
Từ nay đến năm 2017, Cần Thơ sẽ cải tạo và phát triển hệ thống nhân giống, sản xuất lúa giống nguyên chủng, xác nhận, giống cây ăn trái đặc sản, rau an tòan, thủy sản nước ngọt, sản xuất thử, trình diễn các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng cao; cung cấp các dịch vụ ứng dụng và chuyển giao công nghệ đến người dân; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất cây con, nuôi thủy sản nước ngọt; hoàn chỉnh qui trình chế biến gạo cao cấp theo tiêu chuẩn an tòan, vệ sinh thực phẩm thế giới (EU, Hoa Kỳ). Trước mắt, thành phố thực hiện 12 dự án thực nghiệm sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu, gia súc, gia cầm, sinh vật cảnh, thủy sản nước ngọt; nhân giống các loại cây con, phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, mở rộng sản xuất rau an toàn; đào tạo nhân lực, áp dụng công nghệ cao trong cơ giới hóa sản xuất lúa; quản lý chất lượng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm thủy sản, chăn nuôi; xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản.