Đi tìm cơ hội trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023
Nhiều nhà đầu tư “ngóng” tìm cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III tích cực thay vì chiến lược đầu tư theo nhóm ngành.
Kết quả kinh doanh quý III/2023 có thể đi ngang
Thị trường chứng khoán đang bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức, giữa các doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa mạnh về kết quả kinh doanh, dù trong cùng một ngành.
Theo ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch Hội đồng quản trị AzFin Việt Nam, ở giai đoạn tăng trưởng và phát triển, đa số các ngành đều tăng trưởng; nhưng ở giai đoạn vừa thoát khỏi khó khăn, bắt đầu phục hồi trở lại thì sẽ có ngành trở lại trước và có ngành trở lại sau. Nếu tình hình không có gì thay đổi đột biến, năm 2024 khi nền kinh tế trở lại bình thường hoặc tăng trưởng, sẽ không có sự phân hóa nhiều mà các ngành sẽ đồng thuận hơn. Ví dụ, những ngành liên quan đến Giao thông vận tải, thường có kết quả kinh doanh tích cực đầu tiên.
Dự báo kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục có sự phân hóa, và có khả năng đi ngang hoặc tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Báo cáo của SSI Research gần đây cho thấy, ước tính kết quả kinh doanh quý III/2023 của 33 công ty niêm yết (trong phạm vi nghiên cứu) có 19 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 14 công ty dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.
Ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc phân tích, Chứng khoán SSI cho rằng, những tháng cuối năm, số ngành có tăng trưởng lợi nhuận không nhiều. Nền kinh tế trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành được kỳ vọng tăng trưởng dương, như thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ.
Theo Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố kết quả kinh doanh lạc quan trên diện rộng. Khi xét về tăng trưởng so với cùng kỳ, các nhóm ngành dầu khí, dược phẩm, công nghệ được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực ở mức hai chữ số trong quý III này.
Ở chiều ngược lại, các ngành Thủy sản, Bất động sản, Phân bón, Bán lẻ, Điện dự báo sẽ suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, dù tốc độ tăng trưởng sẽ cải thiện so với quý trước, song VDSC cho rằng vẫn sẽ khá hạn chế. Do đó, động lực cải thiện về định giá và điểm số cho thị trường là không lớn trong mùa báo cáo quý này.
Vì mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh từng doanh nghiệp, do vậy chuyên gia VDSC khuyến nghị nhà đầu tư đón sóng kết quả kinh doanh quý III/2023 cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành.
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế được VDSC dự báo có khả năng cao sẽ tích cực hơn trong quý IV/2023 do cùng kỳ năm ngoái nhiều nhóm ngành có mức nền lợi nhuận thấp như: Ngân hàng, Thép, Hàng tiêu dùng, Bất động sản và Chứng khoán.
Cơ hội hấp dẫn từ những biến động ngắn hạn
Thị trường chứng khoán vẫn đang tiếp tục chờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong lúc chờ đợi, dòng tiền trở nên thận trọng, dẫn tới thanh khoản sụt giảm đáng kể. Thanh khoản 2 tuần đầu tháng 10 giảm 37,3% so với tháng 9 và sụt 31,6% so với mức bình quân ở quý III.
Có thể thấy, quý III là một mùa báo cáo thu hút nhiều sự quan tâm bởi đây là quý bản lề thị trường có thể đánh giá tốc độ hồi phục của lợi nhuận trong bối cảnh GDP phục hồi yếu. Mặc dù sẽ có sự phân hóa, tốc độ suy giảm của lợi nhuận kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hẹp trong quý này và lấy lại tăng trưởng từ quý IV/2023 khi áp lực nền so sánh cao giảm rõ rệt nếu nhìn vào mức tăng trưởng âm 33,5% ở quý IV/2022.
Trong đó, một số nhóm ngành dần có tín hiệu phục hồi như: Nhóm Phân bón với xu hướng phục hồi của giá ure; nhóm Bất động sản Khu công nghiệp tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI; Nhóm Chứng khoán thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt trong quý III/2023. Đối với nhóm Dệt may và Thủy sản, lượng đơn đặt hàng trong quý III/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý II/2023 và dự kiến sẽ phục hồi trong 3 tháng cuối năm.
Theo ước tính của SSI Research, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) được dự báo có sự bứt phá mạnh, với lợi nhuận ròng đạt 2.100 tỷ đồng, tăng khoảng 60% so với quý trước và phục hồi đáng kể so với mức lỗ 1.800 tỷ đồng trong quý 3/2022. Tăng trưởng mạnh còn có hai doanh nghiệp thuộc ngành Dầu khí là Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX). Các doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ là Viglacera (83%), Viettel Post (70%), Sacombank (57-63%)…
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường (Công ty Chứng khoán VNDirect) cho rằng, yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn.
Chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index về vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm, nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng).