Lo cho thanh khoản thị trường


Thị trường biến động khó lường, giảm sốc rồi hồi nhẹ đan xen cùng thanh khoản “hẻo” dần cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đang dè chừng.

Thanh khoản liên tục sụt giảm cho thấy cả "phe cầm cổ phiếu" và "phe cầm tiền" đều đang dè chừng. 
Thanh khoản liên tục sụt giảm cho thấy cả "phe cầm cổ phiếu" và "phe cầm tiền" đều đang dè chừng. 

Phe cầm cổ và phe cầm tiền đều dè chừng

Nhìn lại tuần qua (25-29/9), VN-Index đã có một tuần cuối quý và cuối tháng 9 với diễn biến kém tích cực, mức giảm tổng cả tuần vẫn lớn, thậm chí còn lớn hơn so với tuần trước đó.

Cùng với đó, thanh khoản toàn thị trường giảm 20,4% so với tuần trước đó, còn 21.610 tỷ đồng, đây cũng là tuần thanh khoản xuống mức thấp nhất trong 10 tuần vừa qua.

Dấu hiệu này cho thấy, cả "phe cầm cổ phiếu" và "phe cầm tiền" đều đang dè chừng về xu hướng thị trường.

Có thể thấy, trong tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) biến động thất thường, giảm sốc rồi hồi nhẹ đan xen. Không ít nhà đầu tư ghi nhận mức thiệt hại nặng nề chỉ trong 1 tuần giao dịch với “màu đỏ” chiếm thế chủ đạo.

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán là những lời than vãn: “bán hết cổ phiếu nghỉ chơi chứng khoán”, hay “thị trường bị chi phối bởi các đội lái”…

Một số nhà đầu tư may mắn “thoát hàng” kịp thời cũng chưa dám vào lại thị trường, một số khác từ mục tiêu ban đầu là “lướt sóng” bỗng trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ sau loạt phiên lao dốc vừa qua.

Chị Lan Phương (Hà Nội) cho biết, 3 phiên giảm mạnh liên tiếp trong tuần vừa qua đã khiến danh mục cổ phiếu của chị bị sụt giảm 20%.

“Cũng may kịp bán một nửa danh mục nhưng với tình hình như hiện nay có lẽ một thời gian nữa mới quay lại thị trường được nên danh mục tạm thời cứ để đó chờ xử lý sau”, chị Linh nói với VnBusiness.

Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng khá lớn trong tuần giao dịch vừa qua trước những biến động thị trường, nhất là sau những dự báo kém khả quan về thị trường trong ngắn hạn. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang và bắt đầu có chiến lược “phòng thủ”, chấp nhận đứng ngoài “cuộc chơi” chờ những tín hiệu mới.

Trước đợt lao dốc vừa qua, TTCK trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với chuỗi tăng điểm ấn tượng. Sức hút của TTCK phần nào được thể hiện qua số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới trong tháng 8.

Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến ngày 31/8 đạt trên 7,6 triệu tài khoản. Riêng trong tháng 8, số lượng mở mới hơn 188.000 tài khoản, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022.

Cùng với đó, thanh khoản thị trường liên tục tăng cao, những phiên giao dịch tỷ USD đã xuất hiện trở lại.

Dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) cho thấy, thanh khoản TTCK tháng 8 thiết lập kỷ lục vào phiên ngày 20/08/2021 với giá trị giao dịch đạt mức 38.075 tỷ đồng cao nhất trong 21 năm qua, và khối lượng giao dịch đạt gần 1,2 tỷ cổ phiếu. Cũng trong tháng này, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt ghi nhận trên 23.034 tỷ đồng và 703,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng lần lượt 13,95% về giá trị và tăng 16,63% về khối lượng bình quân so với tháng trước đó.

Trở lại hiện tại, giới phân tích nhận định, xu hướng tăng mạnh của TTCK đã chính thức bị phá vỡ. Do đó, việc nhà đầu tư sẽ đứng ngoài “cuộc chơi” sẽ còn tiếp diễn, và dĩ nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường, bởi nhóm đầu tư cá nhân trong nước chiếm tỷ lệ cao nhất trên toàn thị trường.

Ảnh hưởng của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN

Bên cạnh dòng tiền của nhóm đầu tư cá nhân giảm sút, giới phân tích cho rằng, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới thanh khoản TTCK.

Cụ thể, khoản 7, điều 8 Thông tư 06, tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay đối với nhu cầu vốn "để gửi tiền". Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng lý giải việc bổ sung quy định này trong Thông tư 06 vì "thực tiễn thời gian qua, một số TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp".

Dù rằng chưa rõ thuật ngữ "để gửi tiền" ở đây có bao hàm chứng chỉ tiền gửi (CD) hay không, song trên các diễn đàn đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư có xu hướng lo ngại định nghĩa này bao gồm cả CD, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự chủ động của công ty chứng khoán (CTCK) trong việc thu xếp nguồn vốn một cách hợp lý.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dù chiếm phần nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận, song không thể phủ nhận vai trò của các CD với CTCK. Bởi theo ông Minh, CD có vai trò tối thiểu hóa các chi phí vốn của CTCK.

Bên cạnh đó, Giám đốc Yuanta nhìn nhận, CD có vai trò quan trọng với nghiệp vụ "Repo" (cho vay có đảm bảo) của CTCK. Thông thường, một số CTCK vay nhà băng để mua CD, và kế đến là thế chấp chính những hợp đồng này tại ngân hàng (hoặc bán những TPCP, CD để ngược tiền cho vay margin).

Nghiệp vụ này giúp CTCK gia tăng đòn bẩy, từ đó có thể cung ứng nguồn vốn margin nhiều hơn, phục vụ nhu cầu của các khách hàng (nhất là trong những thời điểm TTCK bước vào nhịp tăng mạnh). Dễ hiểu hơn, CTCK có thể mở rộng, khuếch đại hoạt động cho vay margin, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi đó, nguồn vốn vay margin đóng vai trò quan trọng với TTCK Việt Nam.

“Nếu khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06/2023 được áp dụng theo cách hiểu của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, điều quan trọng là các CTCK sẽ không chủ động trong việc tối ưu nguồn vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng, các CTCK sẽ phải tính toán rất kỹ trong việc vay vốn ngân hàng nhằm tối thiểu hóa chi phí vốn và vẫn phục vụ được nhu cầu cho vay margin của TTCK. Do đó Thông tư 06 còn ảnh hưởng đến chính thanh khoản TTCK Việt Nam”, ông Minh nói.

Anh Đỗ Đức Duy (Hà Nội), một nhà đầu tư thâm niên trên TTCK chia sẻ, trên hội nhóm đầu tư của anh cũng như trên nhiều diễn đàn chứng khoán, rất nhiều ý kiến nhận định rằng, NHNN đã hút tiền về rồi, Thông tư 06 lại hạn chế các CTCK tiếp cận vốn vay nữa thì sẽ càng làm TTCK khó khăn hơn, bởi nó sẽ ảnh hưởng cực lớn đến nguồn margin trên toàn thị trường. Dự báo thị trường sẽ còn gặp khó trong một thời gian rất dài vì thiếu nguồn tiền.

“Thị trường đang lo ngại về việc văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 06/NHNN sửa đổi, nếu được giữ nguyên như ý tưởng ban đầu, sẽ ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đối với TTCK”, anh Duy nêu quan điểm.

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn