Thị trường chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn để đầu tư?
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện được đánh giá khá rẻ với định giá thấp hơn 10% mức P/E trung bình 3 năm, sẽ là tiền đề để tăng tốc trở lại vào năm 2024.
Định giá thị trường đang hấp dẫn hơn
Trong 4 năm qua, có 3 năm thị trường đi lên, chỉ có năm 2022 là thị trường đi xuống đáng kể do bị tác động bởi các vấn đề trên thế giới và từ nội tại Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng trưởng khoảng 15%, cao nhất trên 20% vào tháng 8.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 9, thị trường chứng kiến nhiều phiên điều chỉnh sâu, mất hơn 100 điểm, đi kèm thanh khoản yếu khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về một “thị trường gấu” (Bear market) lặp lại như cuối năm 2022.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS, xu hướng của chứng khoán Việt Nam hiện có phần đồng pha với nhịp giảm của chứng khoán thế giới kể từ cuối tháng 9/2023.
Trong nước, tâm lý nhà đầu tư cá nhân cũng thận trọng hơn trước lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chính sách "diều hâu" cuối năm 2023 và sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng trở lại công cụ tín phiếu để hút ròng tiền đồng khỏi hệ thống trong những ngày gần đây cũng khiến giới đầu tư quan ngại mặc dù chính sách hút tiền này về bản chất không có tác động gì tới dòng tiền đầu tư chứng khoán.
Sau nhịp điều chỉnh, định giá P/E thị trường đã về mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 10% so với P/E trung bình 3 năm. Nếu so với tương quan giữa lãi suất huy động và định giá thị trường, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mức tương đương giai đoạn 2021 – 2022, định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn.
Bà Nguyễn Hoài thu - Tổng giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán VinaCapital cho rằng, xét về định giá lúc này là hấp dẫn. Thống kê cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có 3 lần có mức định giá P/E, P/B ở mức như hiện nay, 2 lần trước là năm 2015 (năm có căng thẳng địa chính trị Biển Đông), năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Với mức định giá hiện nay là vùng hấp dẫn, dù so sánh với trung bình 5 năm hay 10 năm.
Xét trong khu vực, định giá P/E trượt năm 2024 của VN-Index cũng rẻ nhất Asean, ở mức 8,8 lần, trong khi ID (JCI) là 12,9 lần, MY (KLCI) 12,9 lần, PH (PCOMP) 10,8 lần, SG (STI) 10,3 lần, TH (SET) 14,5 lần. Còn nếu so sánh về chiết khấu định giá các nước trong khu vực cho chu kỳ dài hơn thì của VN-Index cũng là mức chiết khấu cao nhất 10 năm qua.
Theo bà Thu, năm 2023, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự báo chỉ tăng trưởng 0,6% do tăng trưởng âm ở nhiều lĩnh vực như hàng hóa tiêu dùng bán lẻ, bất động sản, nguyên liệu…, nên dù một số ngành khác tăng trưởng dương như Công nghệ thông tin (FPT tăng trưởng lợi nhuận 23%), hay Ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 12%, Y tế trên 20%..., chỉ đủ bù đắp phần tăng trưởng lợi nhuận âm của các ngành trên.
Tuy nhiên, nhìn biểu đồ lợi nhuận từng quý có thể thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp đã tạo đáy trong quý IV/2022, và các ngành đang có hồi phục lợi nhuận, trong đó tốt nhất là ngành Tài chính, Công nghệ, các ngành khác về trước mức COVID-19.
Lấy đà cho năm 2024
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng phân tích cổ phiếu, Khối nghiên cứu MBS cho biết, tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp trên toàn thị trường có thể chỉ đạt mức 3,6%, chủ yếu do trụ đỡ từ nhóm Ngân hàng có mức tăng trưởng khoảng 10%, trong khi những nhóm ngành khác đều ghi nhận mức tăng trưởng âm. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường có thể rơi vào quý IV/2023.
Sang năm 2024, nhóm phân tích MBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt tăng 16,8%, động lực chủ yếu đến từ những lĩnh vực được phục hồi so với năm 2023 như bán lẻ, vật liệu cơ bản, hàng hoá, điện, ngân hàng. Điểm rơi lợi nhuận trong năm 2024 có thể vào quý III với mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 30%.
Dựa trên tăng trưởng lợi nhuận kết hợp với dự báo P/E năm 2024 đạt khoảng 12 – 12,5 lần, MBS đưa ra kịch bản cơ sở (xác suất 70%) là VN-Index có thể đạt 1.300 – 1.340 điểm, đóng cửa năm 2023 ở 1.260 điểm. Cơ sở đưa ra kịch bản này là lãi suất điều hành của Fed tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 11, sau đó giảm từ quý III/2024. Mặt bằng lãi suất trong nước giữ nguyên như hiện tại hoặc giảm thêm 50 điểm cơ bản.
Với kịch bản kém khả quan hơn (xác suất 30%), MBS dự đoán VN-Index đạt 1.170 – 1.230 điểm. Kịch bản này dựa trên cơ sở Fed vẫn sẽ tăng lãi suất điều hành thêm một lần vào năm nay, đồng thời giữ mặt bằng lãi suất ở mức cao trong cả năm 2024.
Trong nước, NHNN có thể có những động thái để kiểm soát rủi ro về tỷ giá bằng việc nâng lãi suất điều hành thêm 25 – 50 điểm cơ bản. Lợi nhuận của toàn thị trường sẽ chỉ đạt mức tăng khoảng 10% do chi phí lãi vay cao hơn, P/E có thể chỉ ở mức 11,5 - 12 lần.
“Có thể thấy kể cả trong kịch bản tiêu cực, mức điểm VN-Index vẫn cao hơn mức điểm hiện tại”, ông Dũng nhận định.
Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài giữ vững quan điểm tích cực về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Pyn Elite Fund, chứng khoán Việt Nam đang tương đối rẻ. VN-Index hiện giao dịch ở mức P/E là 12,3 với kỳ vọng thu nhập vào năm 2023.
Thậm chí với mức tăng trưởng lợi nhuận được dự đoán cho năm 2024, tỷ lệ P/E sẽ giảm xuống dưới 10 lần. Trước đó, quỹ từng nhận định các khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cuối năm 2022 sẽ đáo hạn vào những tháng cuối năm nay và dòng tiền sẽ được tái phân bổ cho các khoản đầu tư khác, trong đó có cổ phiếu.