Đi tìm dòng tiền cho thị trường

Theo DDDN

Chờ đợi hết quý II rồi đến hết tháng 7 và những ngày đầu tháng đã qua, kỳ vọng của NĐT về sự bứt phá chỉ số chứng khoán đã không diễn ra khi VN-Index vẫn lình xình quanh mốc 500 điểm, quy mô giao dịch liên tục thấp. Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy một dòng tiền mạnh mẽ có sức nâng đỡ thị trường.

Áp lực nguồn cung

Thời gian qua, hầu như không có dòng tiền mới chảy vào chứng khoán, dòng tiền từ tín dụng quá yếu và từ khối nhà đầu tư nước ngoài không cao như kỳ vọng. Sự mất cân đối giữa nguồn cung mới, sự “pha loãng” của các công ty niêm yết với năng lực của nguồn tiền là một trong những nguyên nhân căn bản nhất của sự khó khăn này.

Hiện tính riêng cổ phiếu phát hành thêm mới đây, thị trường đã đón nhận khoảng 17.000 tỷ đồng quy ra mệnh giá. Nếu quy đổi theo giá thị trường, lượng cổ phiếu phát hành thêm có thể đạt mức 40 - 50.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD. Do vậy, thị trường cần có 3 đến 4 tỷ USD mới hỗ trợ được ở mức giá hiện tại.

Theo thống kê của sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), tính chung hiện có tới hơn 1,3 tỷ cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đang chờ lên sàn HOSE. Áp lực nguồn cung mới đang là sự lo lắng của nhà đầu tư. Ảnh hưởng của luồng tiền bị rút đi và hiệu ứng pha loãng cổ phiếu sẽ là một trở ngại không nhỏ cho những nỗ lực thúc đẩy thị trường trong một vài tháng tới.

Dòng tiền tìm sự cân đối

Trong ngắn hạn, nếu xét thị trường theo quy luật cung - cầu thì cung đang thắng thế. Vấn đề đặt ra là khi nào cầu sẽ tăng để đáp ứng nguồn cung hiện tại, góp phần thúc đẩy thị trường tăng điểm. Thực tế, nguồn tiền chảy vào thị trường suốt vài tháng qua chỉ “lèo tèo”, ngày nào cao thì tổng giá trị giao dịch trên hai sàn cũng chỉ đạt được hơn 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, những phiên sôi động trước đây, nguồn vốn giải ngân vào hai sàn mỗi phiên lên tới hơn 3.000 đến 5.000 tỷ đồng.

Suốt 20 phiên giao dịch của tuần trước nữa, một dòng tiền “ủng hộ” miệt mài và là một nhân tố quan trọng giữ cho thị trường đi ngang trong thời gian qua chứ không bị giảm sâu đó là hoạt động mua ròng của khối đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của CTCK Thăng Long (TLS), khối này đã có 20 tuần mua ròng liên tiếp trên sàn HOSE với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 6.200 tỷ đồng, bình quân khoảng hơn 60 tỷ/phiên.

Thị trường trong tháng 8 phải trông chờ vào những nhà đầu tư nước ngoài mới, đặc biệt là vào nửa cuối tháng 8. Nếu điều này thực sự xảy ra, lực cầu trong nước sẽ có thêm chỗ dựa. Theo CTCK SMES, trong điều kiện mặt bằng tăng trưởng tín dụng đồng nội tệ hiện nay chưa bằng 50% cùng kỳ năm 2009, thị trường đang nghiêng mạnh về “cung”. Thậm chí nếu Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ, nguồn tiền mới chưa chắc đã hấp thụ hết được nguồn cung giá “rẻ” hiện nay, chưa kể đến rào cản của việc tăng hệ số an toàn CAR của ngân hàng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới dòng tiền chảy vào thị trường cổ phiếu.

Trao đổi với báo chí ngay sau phiên họp với thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng 7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm sẽ tập trung sao cho đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% góp phần tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% hoặc trên. Dĩ nhiên sẽ có điều chỉnh hợp lý khi diễn biến bất thường. Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp hỗ trợ ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, cần có thời gian để các công ty phát hành cổ phiếu mới giải ngân vốn vào các dự án. Nếu các dự án hiệu quả, thu được lợi nhuận, dòng tiền lời chảy về doanh nghiệp thì cổ phiếu mới có khả năng tăng giá trở lại. Và chắc chắn phải có độ trễ về mặt thời gian.

Thị trường từng trải qua nhiều thời điểm khó khăn và không ít lần vấn đề sức mạnh của dòng tiền được đặt ra. Và cũng không ít lần thị trường cho thấy một sự bùng nổ nhanh chóng khi sự dồn nén được giải tỏa.