Dịch Covid-19 bùng phát, ngân hàng chạy đua giảm phí giao dịch
Bên cạnh các chương trình khuyến mại như tặng tiền, gia tăng tiện ích cho khách hàng khi giao dịch qua kênh Mobile Banking và Internet Banking, hầu hết các ngân hàng đã miễn phí rất nhiều dịch vụ như mở thẻ, duy trì tài khoản, chuyển tiền, rút tiền, thông báo số dư tài khoản... nhằm thu hút tiền giá rẻ - tiền gửi không kỳ hạn.
Dịch Covid-19 bùng phát, người dân hạn chế tiếp xúc, tuân thủ giãn cách xã hội. Khi buộc phải mua nhu yếu phẩm, nhiều người hạn chế dùng tiền mặt bằng cách sử dụng các hình thức thanh toán điện tử.
Cuộc đua thêm “nóng”
Chị Phan Thị Ngọc, một công chức sinh sống ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho biết, do dịch bùng phát tại nhiều địa bàn ở Hà Nội, chị tạm gác lại thói quen tới siêu thị mua sắm. Thay vào đó, chị ngồi ở nhà, vừa làm việc vừa đặt hàng online mua các nhu yếu phẩm hàng ngày cho gia đình.
“Đi siêu thị trực tiếp với chị em nội trợ cũng có niềm vui là được lựa chọn hàng hóa mới nhập vào trong ngày. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại, càng hạn chế ra chỗ đông người càng tốt, nên việc mua online có người giao hàng hóa đến tận nhà cũng yên tâm hơn”, chị Ngọc nói.
Nắm bắt được nhu cầu mua sắm online tăng cao, các ngân hàng đã thiết kế đa dạng các hình thức thanh toán không tiền mặt song hành cùng các chương trình khuyến mại. Không chỉ vậy, nhiều nhà băng cũng đồng thời tăng cường các giải pháp miễn phí thanh toán và các giao dịch online cho người dân thực hiện các nghiệp vụ không cần đến quầy giao dịch.
Chẳng hạn, MSB có gói tài khoản “miễn gần 50 loại phí” dành cho khách hàng giao dịch phi tiếp xúc, bao gồm các giao dịch thanh toán sản phẩm hàng hóa dịch vụ thiết yếu của người dân ở trên máy ATM, thẻ, Internet Banking, Mobile Banking…
Đáng lưu ý, 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV cũng đã triển khai chính sách miễn phí giao dịch hoặc phí 0 đồng khi khách hàng đăng ký gói dịch vụ nhằm thúc đẩy thanh toán online, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.
Trong khi đó, hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như MB, VIB, TCB, MSB, TPBank, OCB… đều đã thực hiện miễn phí giao dịch như một cách để cạnh tranh với nhau và với các "ông lớn" nhà nước.
Theo các chuyên gia tài chính, chính sách miễn phí dịch vụ mang lại lợi ích cho khách hàng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn dịch Covid-19. Ngược lại, nếu giảm phí, các ngân hàng còn được nhiều hơn trong doanh thu từ những dịch vụ khác theo kiểu “bán bia kèm lạc”: Dịch vụ chuyển tiền, dùng ví điện tử, vay tiền, đóng bảo hiểm, tiền gửi bảo hiểm...
Nguồn tiền quan trọng với ngân hàng
Khảo sát bảng lãi suất gửi tiết kiệm không kỳ hạn do các ngân hàng công bố có thể thấy, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đang đưa ra mức lãi suất nhỉnh hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước.
Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn tại Ngân hàng ACB, Ngân hàng Bắc Á là 1%/năm; BIDV: 0,5%/năm, thậm chí Vietcombank ở mức chỉ 0,1%/năm…
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù tiền gửi trong tài khoản là không kỳ hạn và dễ dàng rút ra, nhưng khách hàng khi mở tài khoản ngân hàng luôn giữ một lượng tiền trong tài khoản để phục vụ cho mục đích thanh toán. Vì vậy, tạo ra tính thanh khoản dồi dào cho ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng khẳng định, tiền gửi không kỳ hạn là dòng vốn huy động rất quan trọng. Với lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn chỉ từ 0,1 - 1%/năm, ngân hàng dùng số tiền đó để cho vay, sẽ đem lại tỷ lệ lợi nhuận biên rất cao.
“Phí dịch vụ đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, gần như không đáng kể. Hiện nay, với việc đa dạng hóa nguồn thu, việc giảm phí cũng gần như không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng”, ông Hiếu nói.
Thực tế, nhiều ngân hàng vẫn đang tiếp tục chạy đua miễn giảm phí giao dịch để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn và coi đây là một trong các mục tiêu phải hoàn thành để góp phần tăng lợi nhuận.
Đặc biệt, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và trở thành “cú hích” khiến dịch vụ ngân hàng điện tử bùng nổ. Vì vậy, dự báo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn sẽ ngày càng gia tăng, phục vụ nhu cầu thanh toán, mua sắm trực tuyến của khách hàng.