Dịch Covid-19, thử thách lớn cho tiêu thụ nông sản

Theo Tích Chu/Báo Sóc Trăng

Những chuyến hàng bị ách tắc chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 của lái xe và phụ xe; những chợ đầu mối hải sản, rau quả… tại TP. Hồ Chí Minh đã bị đóng cửa; phí vận chuyển bằng container đi các nước tăng gấp 5 - 6 lần… khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng thêm khó.

Tuy tiêu thụ có khó khăn nhưng việc sản xuất vẫn được duy trì để đón đợi cơ hội phục hồi và tăng tốc. Ảnh: Tích Chu
Tuy tiêu thụ có khó khăn nhưng việc sản xuất vẫn được duy trì để đón đợi cơ hội phục hồi và tăng tốc. Ảnh: Tích Chu

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long đã cảm nhận được “hơi nóng” khó khăn bắt đầu tăng nhiệt. Họ lo lắng cũng phải, bởi TP. Hồ Chí Minh không chỉ là thị trường đầu mối tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa nông, thủy sản, mà còn là nơi trung chuyển hàng xuất khẩu từ đồng bằng sông Cửu Long đi các nước.

Không chỉ lo lắng về việc tiêu thụ hàng hóa, điều mà lãnh đạo các tỉnh và doanh nghiệp lo hơn chính là sự lây truyền nguồn dịch từ TP. Hồ Chí Minh về đồng bằng sông Cửu Long bởi mức độ giao thương, đi lại giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng là rất lớn. Lo lắng và phòng bị, nhưng cuối cùng dịch Covid-19 cũng đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong khu vực.

Ngay từ cuối năm 2020, giá cước vận tải biển bằng container đã bắt đầu tăng mạnh và đến thời điểm hiện tại đã tăng gấp 5 - 6 lần so với đầu năm 2020. Giá cước tăng, lại thêm chuyện khan hiếm container khiến doanh nghiệp càng thêm khó. Nhưng bằng kinh nghiệm và sự linh hoạt nhạy bén của mình, các doanh nghiệp vẫn có thể vượt qua khó khăn trên để duy trì mức giá tiêu thụ nhiều mặt hàng nông, thủy sản ở mức có lợi cho nông dân. Điều đó được minh chứng qua con số thống kê về mức độ tăng trưởng khá ấn tượng của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 có mặt ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và nhất là khi có thông tin về giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thì khó khăn lại càng chồng chất đối với doanh nghiệp, khi các tỉnh đều có quy định lái xe và phụ xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời gian 3 - 7 ngày (tùy địa phương) mới được vào địa phương.

Không chỉ tăng chi phí vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng sông Cửu Long lên TP. Hồ Chí Minh, mà việc tiêu thụ cũng bắt đầu gặp khó khi một số chợ đầu mối, như: chợ hải sản Bình Điền, chợ rau, củ, quả Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn… đồng loạt đóng cửa phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Sức tiêu thụ giảm xuống, giá một số mặt hàng nông, thủy sản theo đó cũng bắt đầu giảm theo. Giá tôm mấy ngày qua hầu hết đã giảm vài ngàn đồng mỗi ký và nếu như người nuôi không bình tĩnh thu hoạch ồ ạt vì sợ rớt giá sẽ làm cho giá tôm tới đây sẽ còn giảm thêm dù thị trường xuất khẩu vẫn đang rất thuận lợi. Tương tự như giá tôm, giá một số loại cá nuôi có giá trị cao, như: cá chẽm, cá Hồng Mỹ… đều đã giảm, nhiều hộ nuôi thua lỗ.

Không chỉ có hàng thủy sản, một số mặt hàng chăn nuôi, lương thực, trái cây, rau củ quả… cũng gặp khó trong tiêu thụ. Giá lúa gạo sau thời gian ở mức cao cũng bắt đầu hạ nhiệt, trong khi vụ lúa Hè – Thu đang vào vụ thu hoạch nên chưa ai dám khẳng định giá lúa liệu có còn giữ ở mức tốt cho nhà nông khi bước vào thu hoạch rộ. Một số mặt hàng trái cây, rau màu giá cũng giảm ít nhiều, tùy loại. Người nuôi heo cũng đối mặt khó khăn lớn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ đầu năm đến nay, nhưng giá heo hơi lại quay đầu giảm, tác động không nhỏ đến khả năng duy trì đàn heo trên cả nước.

Hay nói một cách khác, hàng hóa nông, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước một thách thức lớn khi dịch Covid-19 đã hiện diện tại tất cả các tỉnh, thành trong khu vực, tạo nên sự trắc trở cho con đường lưu thông, phân phối, khi mà việc đi lại giữa các tỉnh với nhau và với TP. Hồ Chí Minh luôn kèm các điều kiện bắt buộc.

Sản xuất vẫn không thể dừng và công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang được các địa phương tăng cường ở mức cao nhất. Vấn đề là mọi người, mọi nhà phải thật sự bình tĩnh, yên tâm sản xuất, kinh doanh và tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Diễn biến dịch vẫn đang phức tạp nhưng chỉ cần mọi người, mọi nhà chung tay phòng, chống dịch, thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành chức năng thì dịch sẽ sớm bị đẩy lùi, cuộc sống, sản xuất, kinh doanh sẽ trở lại bình thường, cơ hội phục hồi và tăng tốc sẽ lại đến đúng như kỳ vọng.