Dịch vụ ngân hàng thay đổi dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với làn sóng công nghệ mới đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đặc biệt làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Xu hướng mở rộng, phát triển các dịch vụ mới
Với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0), các ngân hàng Việt Nam đã bước đầu tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.
Trên nền tảng công nghệ 4.0 cùng với việc tận dụng những thế mạnh của kinh tế quy mô, kinh tế chia sẻ, việc triển khai ứng dụng công nghệ số kỹ thuật cao liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, thực tế ảo… đã giúp giảm thiểu chi phí giao dịch, vận chuyển, quản lý, góp phần tiết kiệm về mặt tài chính cho các ngân hàng Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ 4.0 còn giúp các ngân hàng nâng cao lợi nhuận, đảm bảo tính sẵn sàng cao cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mới. Ngoài ra, CMCN 4.0 còn tạo ra những bước tiến mới trong thay đổi cách giao tiếp và xử lý nghiệp vụ thông qua tương tác và giao tiếp điện tử của hệ thống ngân hàng.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng. Nhờ ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, các sản phẩm của ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng.
Hiện nay, lượng tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 NHTM đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet và khoảng 36 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán).
Tóm lại, việc áp dụng các nguyên tắc của CMCN 4.0, các vấn đề như giao diện lập trình ứng dụng, phân phối liền mạch hay phân tích thông minh sẽ là xu hướng ứng dụng phổ biến trong hoạt động phát triển sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của các ngân hàng. Ngoài ra, dữ liệu lớn và phân tích hành vi khách hàng cũng đang trở thành xu hướng tương lai trong thời đại công nghệ số.
Những thách thức mới
Bên cạnh những cơ hội mở ra từ CMCN 4.0, ngành Ngân hàng cũng đang đối diện với khá nhiều thách thức trong việc ứng dụng công nghệ 4.0. Trước hết là việc thiếu khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử…
Mô hình kinh doanh, quản trị và thanh toán có thể cũng cần được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh trí tuệ nhân tạo, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử. Theo đó, các ngân hàng cần chú trọng nghiên cứu, tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực thanh toán để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng trong thời đại CMCN 4.0.
Đặc biệt, sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số cũng kéo theo sự gia tăng lỗ hổng bảo mật, khiến tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên. Đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do vậy, thách thức cho toàn ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung và cho lĩnh vực thanh toán nói riêng trong bối cảnh CMCN 4.0 chính là vấn đề an toàn cho hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán.