Điểm danh ba “ông lớn” sẽ IPO cuối năm nay
(Tài chính) Cùng với sự sôi động của thị trường chứng khoán thời gian gần đây khi VN-Index đã vượt 600 điểm, thì việc IPO vào cuối năm nay của ba công ty lớn: Vietnam Airlines, Vinatex, Vinacco hứa hẹn sẽ làm tăng sự hấp dẫn cho thị trường.
Vinatex
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ đấu giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 22/9, thay vì ngày 22/7 như dự kiến ban đầu.
Trong đợt IPO này, Tập đoàn sẽ bán một phần vốn nhà nước, kết hợp phát hành thêm để tăng vốn và Nhà nước sẽ vẫn giữ cổ phần chi phối. Cụ thể, sau phát hành và IPO, cơ cấu cổ đông Vinatex gồm 51% vốn nhà nước, 24% nhà đầu tư chiến lược, 0,6% người lao động và 24,4% chào bán công khai.
Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ Tập đoàn tăng từ 3.400 tỷ lên 5.000 tỷ đồng. Số lượng cổ phần phát hành ra công chúng là 121.999.150 cổ phần với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần. Theo định giá của Công ty Chứng khoán BIDV (BSI), mức giá hợp lý cho một cổ phiếu Vinatex dao động từ 11.442 - 13.332 đồng/ cổ phần.
Đối tượng phát hành gồm tổ chức, cá nhân, các cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Cổ đông chiến lược mà Vinatex hướng đến là đơn vị giúp Tập đoàn nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật công nghệ trong sản xuất và chuỗi phân phối, cung ứng. Theo kế hoạch, Tập đoàn sẽ chào bán tối đa cho 3 cổ đông chiến lược, qua đó giúp Tập đoàn nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh, quản trị và thúc đẩy tăng trưởng.
Vinacco
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố lịch IPO của Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vinacco) vào ngày 14/10/2014. Trong đợt IPO này Vinacco sẽ bán ra 2.641.100 cổ phần, với giá khởi điểm 10.051 đồng/cổ phần.
Được biết, Vinacco có vốn điều lệ 76 tỷ đồng, tương đương 7,6 triệu cổ phần, nhà nước không nắm giữ cổ phần nào. Trong khi đó, cổ phần bán cho người lao động là 398.000 cổ phần, chiếm 5,25% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư là 2.641.100 cổ phần, chiếm 34,75% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 4.560.000 cổ phần, chiếm 60% vốn điều lệ.
Ngành nghề chính của Tổng Công ty là thi công xây dựng các công trình công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, giao thông, thủy lợi, đường dây hạ thế và trạm biến thế từ 35KV trở xuống; Thi công các công trình xây dựng dân dụng, công trình công ích; Thi công xây dựng công trình đường sắt và đường bộ; Sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu nông lâm sản và vật tư nông nghiệp.
Trong cơ cấu doanh thu của Tổng Công ty, hoạt động chính là thi công dân dụng và công nghiệp, giao thông và hạ tầng không đồng đều qua các năm. Năm 2011 và 2012, các hoạt động này chỉ chiếm 18,4% và 14,8% trong tổng doanh thu, trong khi nguồn thu từ hoạt động thương mại và hoạt động khác (chủ yếu là kinh doanh xuất nhập khẩu nông, lâm sản) luôn chiếm tỷ trọng cao do Tổng Công ty có nhiều hợp đồng lớn.
Vietnam Airlines
Căn cứ vào phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Vietnam Airlines triển khai các bước tiếp theo để hoàn thành công tác cổ phần hóa theo quy định. Dự kiến thời gian IPO trong tháng 11/2014 và hoàn thành công tác cổ phần hóa trong quý 2/2015.
Trước đó, ngày 10/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1611/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines, theo đó sẽ cổ phần hóa với hình thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 14.101.840 triệu đồng, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần tương đương hơn 1.410.184.000 cổ phần. Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là: Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ, tương đương 1.057.638.000 cổ phần; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 20%; bán đấu giá công khai là 3,475%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn.
Thủ tướng Chính phủ cũng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở giao dịch Chứng khoán để bán cổ phần lần đầu, chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần lần đầu ra công chúng, lựa chọn thời điểm thích hợp để giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước còn nắm giữ không thấp hơn 65% vốn điều lệ.
Thực hiện kế hoạch phát triển đội bay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vietnam Airlines đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa. Theo đó, giai đoạn 2014-2018, tổng giá trị đầu tư là 69.994 tỷ đồng, trong đó đầu tư tàu bay 63.297 tỷ đồng.
Để đáp ứng kế hoạch đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, dự kiến Vietnam Airlines sẽ tăng dần vốn điều lệ từ 14.101,84 tỷ đồng trong năm 2014 lên 26.320 tỷ đồng đến cuối năm 2018.