Điểm mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 có nhiều điểm mới so với quy định trước đây
Ngày 05/11/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định 132 kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Nghị định số 68/2020/NĐ-CP mà trong thực tế không có vướng mắc, chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc sửa đổi một số điều đảm bảo rõ ràng, minh bạch.
Đồng thời để đảm bảo thuận lợi trong thực hiện cũng như nâng cao tính pháp lý, các nội dung tại Thông tư số 41/2017/TT-BTC đã được nghiên cứu, xây dựng và đưa vào Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với nhiều điểm mới so với quy định trước đây. Cụ thể:
Thứ nhất, điều chỉnh quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia phù hợp thông lệ quốc tế, thuận lợi cho người nộp thuế.
Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ tối cao (trước đây quy định cùng thời điểm nộp tờ khai quyết toán).
Nghị định cũng sửa đổi quy định về nghĩa vụ lưu trữ và cung cấp cho cơ quan thuế báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao theo hướng đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết khi tham gia diễn đàn BEPS. Cụ thể: Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia được nhận qua hình thức trao đổi thông tin tự động nếu nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước có ký thoả thuận.
Do đó người nộp thuế chỉ phải cung cấp báo cáo này cho cơ quan thuế trong trường hợp không có thoả thuận nêu trên (trước đây yêu cầu người nộp thuế lưu trữ và cung cấp cho cơ quan thuế báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao cùng thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp).
Thứ hai, bổ sung một số đối tượng được loại trừ khi áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo đó, bao gồm các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; Khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); Khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).
Thứ ba, bổ sung quy định về các bên có quan hệ liên kết.
Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định thêm một trường hợp về các bên có quan hệ liên kết là: Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ liên kết theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 của Nghị định.
Thứ tư, cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang kỳ tính thuế tiếp theo.
Nghị định số 132/2020/NĐ-CP bổ sung quy định cho phép phần chi phí lãi vay vượt định mức khống chế 30% được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định 30%. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.