Diễn biến thị trường bất động sản sôi động vào năm sau?
Một số nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường cho biết, trong bối cảnh hiện nay vẫn có những nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh âm thầm mua gom các sản phẩm bất động sản có vị trí tốt, chờ đợi nhịp sóng trở lại.
Khung pháp lý hiện nay đang trong quá trình được tháo gỡ, do đó, các chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ cân bằng trở lại vào năm sau.
Theo báo cáo mới nhất của các đơn vị phân tích thị trường, mức độ quan tâm tới bất động sản tiếp tục giảm. Cụ thể, Hà Nội giảm 1%, Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14% so với quý trước, trong khi đó tại TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) tăng 6% so với quý II/2022.
Mức độ quan tâm đất nền tại TP. HCM tăng ở hầu hết các quận, huyện. Cụ thể, Hóc Môn tăng 11%, Thủ Đức tăng 9%, Quận 9 tăng 2%, Quận 12 tăng 6, Bình Chánh tăng 10%, Nhà Bè tăng 11%.
Giá đất nền tại nhiều khu vực TP. HCM cũng tăng so với quý trước, trái ngược với xu hướng giảm giá đất nền tại Hà Nội. Đơn cử, tại Củ Chi giá rao bán tăng 15%, tại Hóc Môn tăng 11%, tại Thủ Đức tăng 3%, tại Bình Chánh tăng 6%, tại Nhà Bè tăng 17%. Giá đất tại một số tỉnh miền Nam như Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng nhẹ 1-5%.
Còn theo báo cáo của bộ phận R&D, DKRA Việt Nam, giá bán sơ cấp đất nền tại TP. HCM và vùng phụ cận ở mức 16 - 49,7 triệu đồng/m2 trong quý III, tăng đáng kể so với quý trước. Giá sơ cấp tăng do một số chi phí đầu vào tăng, bao gồm chi phí lãi vay và giá nguyên vật liệu.
Việc chủ đầu tư áp dụng chính sách kích cầu thị trường cũng làm cho giá bán sơ cấp tăng. Trên thị trường thứ cấp, mặt bằng giá cũng tăng phổ biến 2-4% so với đầu quý II/2022.
Theo chia sẻ của ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho thấy, thị trường đất nền một số tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai và Bình Dương đang chịu tác động bởi chính sách kiểm soát tín dụng và hoạt động phân lô, bán nền trong quý vừa qua khiến cho mức độ tìm kiếm sụt giảm mạnh.
Theo đó, khi các thị trường ven TP. HCM sụt giảm, nhà đầu tư sẽ chuyển dịch về các khu vực có thể đáp ứng được nhu cầu ở thực, hay có câu chuyện trong tương lai.
Vị chuyên gia nói: “Các huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè với kế hoạch lên quận/thành phố hay các khu vực phát triển hạ tầng như TP Thủ Đức, Quận 12 đều có các câu chuyện trong tương lai, tạo kỳ vọng cho nhà đầu tư”.
Diễn biến thị trường đất nền những tháng cuối năm khó có thể xảy ra sốt đất ở khu vực xung quanh TP. HCM. "Thị trường đất nền được xem là thị trường đầu cơ và khá bị hạn chế về nguồn vốn tín dụng mới. Khi chưa có động lực đầu vào thì khó có khả năng xảy ra sốt đất trong quý cuối năm", ông Tuấn cho hay.
Mặt khác, xét về dài hạn, ông Tuấn cho rằng, bất động sản nói chung và đất nền nói riêng còn nhiều động lực tăng trưởng. "GDP và FDI tăng lên, kéo theo nhiều chuyên gia, người lao động tập trung ở khu vực các khu công nghiệp.
Dân cư tăng lên cũng kéo theo sự tăng trưởng giá bất động sản. Nguồn cung tung ra ngoài thị trường khá thấp trong khi giá đã neo rất cao. Theo thống kê, có 66% số lượng người tìm mua nhà đất muốn tìm bất động sản có giá dưới hai tỷ đồng. Muốn tìm kiếm phân khúc này phải tìm ở khu vực đất nền vùng ven”, vị chuyên gia nói.
Ông Tuấn chia sẻ thêm, ở phân khúc đất nền vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm có sự tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua có không có cơn sốt nào, khác so với những năm trước. Do đó, ông kỳ vọng sang quý I và quý III năm sau thị trường có sự quay trở lại.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra nhìn nhận tổng quan về thị trường bất động sản cho hay, 9 tháng vừa qua, nguồn cung mới của thị trường chỉ bằng 20% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm cũng chưa thực sự phù hợp với thị trường khi nguồn cung với phân khúc cao cấp đang thừa, trong khi đó sản phẩm giá rẻ đáp ứng nhu cầu tìm nhà ở thực của người dân lại đang thiếu.
“Từ nay đến cuối năm, một số phân khúc có điểm sáng đó là bất động sản nghỉ dưỡng, công nghiệp, nhà ở xã hội thu nhập thấp dư địa tiềm năng vẫn còn lớn. Nhu cầu đầu tư và nhu cầu thực tại các phân khúc này cũng tương đối lớn.
Ví dụ như: Phân khúc công nghiệp đang có tỷ lệ lấp đầy tới 89%, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng của giới chuyên gia, đội ngũ công nhân cũng rất cao. Do đó, các địa phương sẽ cần đẩy mạnh phát triển các phân khúc, sản phẩm dịch vụ ăn theo”, vị chuyên gia nhìn nhận.