Hơn 3,5 tỷ USD vốn FDI “rót” vào thị trường bất động sản trong 9 tháng
Tiếp tục trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) giữ vững vị trí thứ 2 trong top các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng năm 2022 với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đăng ký, tăng gần 2 lần cùng kỳ năm 2021.
Thị trường BĐS “hồi sinh” cùng làn sóng đầu tư FDI
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng năm 2022, mặc dù tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lĩnh vực kinh doanh BĐS vẫn tiếp tục trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI với hơn 3,5 tỷ USD. Đáng chú ý hơn, FDI vào lĩnh vực BĐS tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 1,8 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, khi hai dòng vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đổ “nhỏ giọt” vào BĐS, thì FDI vẫn tiếp tục là điểm sáng.
Theo báo cáo Industrial Insider do Công ty Savills Việt Nam công bố vào tháng 9/2022, thị trường BĐS công nghiệp tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được lấp đầy gần như hoàn toàn. Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 291 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và 91 KCN đang được quy hoạch. Điều này cho thấy mức độ phát triển đang diễn ra ở cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và phía Bắc.
Xét riêng khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, nguồn cung đất công nghiệp đã có sự thay đổi. Nếu như trong năm 2021, Bắc Ninh dẫn đầu về tổng diện tích thì đến nay TP. Hải Phòng đã vươn lên vị trí thứ nhất, nhờ Dự án Deep C Hải Phòng III mới ra mắt. Tuy nhiên, Bắc Ninh vẫn sở hữu nhiều dự án nhà xưởng xây sẵn nhất, gần gấp đôi TP. Hải Phòng đang đứng ở vị trí thứ hai. Khi nguồn cung tại Hà Nội không còn, các nhà đầu tư có thể cân nhắc chuyển hướng sang những tỉnh lân cận như Hưng Yên và Hải Dương.
Tại vùng kinh tế phía Nam, bức tranh BĐS công nghiệp năm 2022 đang tương đồng với cùng kỳ năm trước. Bình Dương là tỉnh có diện tích đất công nghiệp lớn nhất với hơn 7.000 ha và đã được lấp đầy gần hết. Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An đã có những dự án mới gia nhập thị trường trong quý vừa qua, nhưng các tỉnh và thành phố còn lại như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đều khan hiếm nguồn cung. Về dự án nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, Bình Dương đang dẫn đầu về tổng diện tích với giá cho thuê xấp xỉ một nửa so với các dự án tại TP Hồ Chí Minh.
Tại báo cáo vừa công bố, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) đã đưa ra nhận định, BĐS công nghiệp đang hồi sinh cùng làn sóng đầu tư. VARs cũng cho rằng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cùng với chính sách "zero-COVID" của Trung Quốc khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; chuỗi sản xuất đứt gãy, chi phí và thời gian vận tải tăng cao... Qua đó, thúc đẩy nhu cầu cao về kho bãi và nhà xưởng ngay tại các thị trường tiêu thụ. Các yếu tố cộng hưởng đang giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến mới của các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do, điển hình là hiệp định EVFTA, nên thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu. Một yếu tố khác đang góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn đến từ sự ổn định của tỷ giá VND/USD so với tỷ giá ở một số nước trong vùng như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia.
Việt Nam vẫn là "điểm hẹn" hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài
Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, nhận định: "Để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, như đường cao tốc và cảng biển quan trọng đối với nền kinh tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng đang được cải thiện nhanh chóng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực Logistics - hậu cần ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn đầu tiên của sân bay quốc tế Long Thành, đường ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, các tuyến metro ở cả 2 miền Bắc và miền Nam… Nhờ những nỗ lực trong nhiều năm qua, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới”.
Vị chuyên gia còn cho biết thêm, những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đã làm chậm các hoạt động đầu tư từ đầu năm nay. Với tình hình lãi suất và lạm phát tăng đã khiến nhà đầu tư phần nào “chùn chân” và cẩn trọng xem xét lại các danh mục đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục triển khai vốn vào những dự án mà họ đã cam kết trước đó. Bởi họ tin rằng dòng vốn chảy vào thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sẽ dần ổn định lại khi đã thích ứng được với những tác động của yếu tố vĩ mô.
Trong khi đó, theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, hiện tại việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A vẫn được các doanh nghiệp trong nước lựa chọn. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại.
Đứng trước làn sóng công nghiệp vào Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra những định hướng phát triển và bổ sung nguồn cung BĐS trên cả nước. Trong 2 quý đầu của năm 2022, đã có 9 KCN mới được phê duyệt và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2023-2025 với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 29,4 nghìn tỷ đồng. Riêng tại Hà Nội, UBND Thành phố đã phê duyệt đề án thành lập 2-5 KCN giai đoạn 2021 - 2025 tại Sóc Sơn, Đông Anh, Bắc Thường Tín, Phú Nghĩa và Phụng Hiệp.
Đồng thời, Chính phủ cũng đang đưa ra các chính sách kích cầu du lịch nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, cho thuê và hoàn thiện thủ tục đầu tư. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài còn được hưởng lợi từ chính sách đưa thuế thu nhập doanh nghiệp về 0% trong 4 năm đầu hoạt động và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.