Diễn đàn kinh tế 2022 - Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới

Bùi Thu

Đó là chủ đề của diễn đàn kinh tế năm nay, TP. Hồ Chí Minh lần đầu đăng cai tổ chức sự kiện với thông điệp đã vượt qua đại dịch một cách mạnh mẽ và ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới. Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, năng lực điều hành "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Ảnh: Thu Hằng
Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, năng lực điều hành "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Ảnh: Thu Hằng

Diễn đàn tập trung vào ba chủ đề chính: Hội thảo Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau Đại dịch Covid 19; Hội thảo Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản (BĐS); Hội thảo Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Cùng các phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao với sự tham gia của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản 

Đây là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm. Ngoài những ý kiến đánh giá về vai trò quan trọng của thị trường vốn và thị trường bất động sản thì sự tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản thời gian gần đây đã tiềm ẩn một số rủi ro như: hiện tượng thao túng giá trên thị trường cổ phiếu; hiện tượng che dấu thông tin hay công bố thông tin sai lệch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu hay những phát sinh rủi ro đến từ những hạn chế trong kiến thức pháp luật của một số nhà đầu tư cá nhân; sự thiếu minh bạch trong thông tin cũng khiến cho thị trường bất động sản bất ổn…

Do vậy phiên thảo luận có nhiều ý kiến sâu sắc xoay quanh: Các giải pháp để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động và phân bổ vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế. Các đề xuất cụ thể giúp khơi thông nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản, giúp lĩnh vực BĐS giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. 

Đồng thời tại hội thảo cũng nêu lên thời điểm và lộ trình xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó có nhiều ý kiến đóng góp cho thị trường vốn: Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường vốn bao gồm cả thị trường ngân hàng, theo hướng tăng cường minh bạch, phát triển ổn định và bền vững tạo điều kiện đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số trên thị trường vốn và ngân hàng; nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường; 

Đồng thời đẩy mạnh vai trò nhà nước trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hướng đầu tư tư nhân vào các mục tiêu phát triển phục hồi kinh tế, phát triển xanh... đáp ứng các cam kết về giảm phát thải. Cũng như tích cực triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong đó chú trọng các giải pháp đa dạng hóa sản phẩm thông qua thúc đẩy cổ phần hóa và tăng cường tính minh bạch trong quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Tích cực triển khai lộ trình xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế, hình thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tăng cường kênh dẫn vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại trong đó  xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho ngân hàng, tạo môi trường thử nghiệm có điều kiện Sanbox; xây dựng Trung tâm Quản lý và khai thác dữ liệu tập trung của hệ thống Ngân hàng; và đầu tư phát triển nguồn nhân lực số phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Đối với thị trường bất động sản: Cần đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy tính minh bạch trên thị trường bất động sản. Loại bỏ những quy định mâu thuẫn chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BĐS như đất đai, xây dựng, nhà ở, v.v…; tạo điều kiện và đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai công bằng giữa các nhà phát triển bất động sản; phát huy vai trò của “Trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh”, nhất là ở các thành phố lớn, tập trung đông dân cư thành một công cụ điều tiết hữu hiệu theo cơ chế thị trường. 

Nguồn vốn cho thị trường BĐS cần đa dạng hóa thông qua các kênh: phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng góp vốn, cân nhắc mở rộng các hình thức mới như phát triển quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác, quỹ hưu trí, hoạt động M&A…

Cần có cơ chế chính sách điều tiết đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về nhà ở của người dân như: chương trình phát triển nhà ở xã hội; hỗ trợ xây dựng nhà ở giá rẻ; có chính sách hỗ trợ người có thu nhập trung bình có thể tiếp cận cơ hội sở hữu nhà ở. Cuối cùng đẩy mạnh quá trình hình thành và từng bước hiện đại hóa, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đến từng thửa đất. Xây dựng hệ thống thông tin đăng ký đất đai đầy đủ, khoa học, đảm bảo công khai, minh bạch và dễ dàng tiếp cận đối với mọi đối tượng. 

Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19 

Hội thảo đã tập trung trao đổi chuyên sâu về những vấn đề để hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch COVID-19. Trong đó có xem xét vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời hoàn thiện pháp luật nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức. Cũng như học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, bài học rút ra đối với Việt Nam.

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để đẩy mạnh hơn nữa đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Để tận dụng các cơ hội, vượt qua thách thức, Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan như: Xu hướng đổi mới khoa học công nghệ và chuyển đổi số trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cân bằng lại từ mô hình dựa trên chi phí thấp, rủi ro cao hiện nay sang mô hình đảm bảo an ninh, khả năng chống chịu, vì thịnh vượng và an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Kinh nghiệm quốc tế về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đồng thời đề xuất chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế và nâng cao vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình này. 

Hội thảo cũng có một số kiến nghị: Có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án đầu tư có công nghệ cao, khuyến khích chuyển giao công nghệ và thúc đẩy lan toả rộng rãi công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại. Cũng như phân bổ hợp lý nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh; nâng cao năng lực và tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng; hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp công nghiệp hướng đến mô hình nhà máy…