Diễn đàn VBF 2017: Mỗi đồng vốn đầu tư là một “lá phiếu” ủng hộ

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

“Chính cộng đồng doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là phương tiện để Chính phủ hiện thực hóa tầm nhìn và ước vọng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2017, với chủ đề VBF-20 năm đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2017. Nguồn: Internet
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2017. Nguồn: Internet

2017 - năm thuận lợi trong đầu tư 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, của Chính phủ. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được định hình rõ nét từ chính sách cho đến các hành động cụ thể.

2017 cũng được xác định là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm tới cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cắt giảm các loại chi phí của Chính phủ, nhưng vẫn có thể làm tốt hơn nếu một số loại phí, lệ phí được Bộ đề xuất bỏ. Trong đó có phí cung cấp “Thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh” theo quy định tại Thông tư 215/2016 của Bộ Tài chính.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Tomaso Andreatta cũng đặt vấn đề, Chính phủ đã bắt đầu chiến dịch cắt giảm chi phí kinh doanh doanh nghiệp, bằng cách tiếp cận nhiều đối tượng, trong đó có khối doanh nghiệp, chuyên gia và nhà nước. Ông Tomaso Andreatta cũng nhấn mạnh, khi chính sách này thành công sẽ làm giảm các chi phí không cần thiết, làm cho các sản phẩm nội địa trở nên cạnh tranh hơn và đời sống người dân có thể tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần giảm thiểu các yêu cầu chồng chéo, mâu thuẫn của các đơn vị hành chính, gây lãng phí tài chính hoặc thuế. Lấy ví dụ là cách cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, ông Tomaso Andreatta cho rằng, các thông báo của nhà sản xuất cho cơ quan chức năng về sản phẩm mới phải tuân thủ tất cả các quy tắc, ghi rõ ràng và dễ tiếp cận công chúng hơn.

Thêm cơ chế cho khu vực DNTN

Mặc dù môi trường kinh doanh những năm qua đã được cải thiện tích cực, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường ngày một lớn; Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới về thu hút FDI, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, gây cản trở cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN).

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Karashima cũng cho rằng, tồn tại nhiều vấn đề do sự hiểu biết không đầy đủ của cán bộ trực tiếp thực hiện, cách giải thích về quy định pháp luật chưa rõ ràng… Sự thiếu minh bạch sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực thi pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam - ông Hiroshi Karashima nhấn mạnh.

Giám đốc IFC phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia, ông Kyle Kelhofer cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế tư nhân khi có nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Ông Kelhofer khuyến nghị: làm sao để đầu tư cho lĩnh vực kinh tế tư nhân hiệu quả trong một thời gian ngắn, làm sao phát huy vai trò và sự hỗ trợ của Chính phủ.

Đây cũng là mục tiêu mà nhóm Ngân hàng Thế giới, trong đó có IFC đề ra và mong muốn hỗ trợ đầu tư tài chính. Một thực tế là các quốc gia đều coi trọng đầu tư cho kinh tế tư nhân, đầu tư ở nhiều cấp độ, coi đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Ghi nhận những tồn tại của môi trường đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Điều này cho thấy cơ hội trỗi dậy cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Chính phủ luôn khuyến khích tinh thần cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp, mong muốn các doanh nghiệp kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và khuyến khích áp dụng công nghệ quản trị hiện đại, hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn cao của OECD.

Chính phủ kiến tạo môi trường đầu tư tốt cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế, tiếp tục cải cách đổi mới, không để thụt lùi về mặt chính sách trong quá trình hội nhập sâu rộng. Chính phủ trân trọng và chào đón các nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam, nhưng không hoan nghênh các hoạt động làm ăn không chân chính.

“Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.