Doanh nghiệp phải cùng hành động
Đối với việc phát triển kinh tế tư nhân, nếu coi đây chỉ là vai trò của Chính phủ thì dường như xã hội đang hiểu lầm, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói trong Diễn đàn Doanh nghiệp 2018 vừa diễn ra.
Không chỉ là vai trò của Nhà nước
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, chỉ số năng lực hấp thụ chính sách của doanh nghiệp nước ta còn rất hạn chế. “Có hai vấn đề đặt ra hiện nay”, Viện trưởng Nguyễn Mạnh Quân nhận định.
Thứ nhất, định hướng và giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thế nào và làm sao để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả.
Thứ hai, phía doanh nghiệp hành xử ra sao trước những định hướng này? Lâu nay chúng ta có xu hướng “trách móc” và “phê bình” các chính sách của Chính phủ chưa hiệu quả, nguồn hỗ trợ của Chính phủ chưa tới được với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Quân cho rằng phải nhìn thẳng từ góc độ doanh nghiệp, điểm nghẽn hiện nay là năng lực của doanh nghiệp còn yếu, thậm chí bản thân họ cũng không biết mình đang yếu ở đâu. Việc xác định năng lực của doanh nghiệp ở mức độ nào là một trong những chìa khóa để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và khai thác nguồn lực tiếp cận chính sách phù hợp, ông Quân nói.
Đối với việc phát triển kinh tế tư nhân, nếu như coi đây chỉ là vai trò của Chính phủ thì dường như xã hội đang hiểu lầm, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nói trong Diễn đàn Doanh nghiệp 2018 diễn ra ngày 7/12. Hàm ý của ông có lẽ cũng giống với Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp ở chỗ, một mình Chính phủ không thể giải quyết được tất cả những vấn đề của doanh nghiệp tư nhân mà còn cần tới sự chủ động của chính doanh nghiệp.
Ông dẫn kết quả khảo sát đối với 128 quốc gia cho thấy, Việt Nam đang đứng ở vị trí 113 về định hướng khách hàng; về khả năng hấp thụ công nghệ xếp thứ 93; chất lượng các nhà cung cấp, phát minh sáng chế xếp thứ 91. “Khả năng sáng tạo các sản phẩm mới của Việt Nam đang kém xa các nước khác trên thế giới.
Việt Nam muốn gia nhập vị trí cao hơn trên thế giới thì không thể mãi đi xin doanh nghiệp nước ngoài liên kết. Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp phải quên đi thói quen kinh doanh cảm tính. Để cạnh tranh không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực của mình bằng hoặc hơn đối thủ. Đây là điều mà các doanh nghiệp tư nhân phải làm để tồn tại”, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Tự nâng chuẩn của mình
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong môi trường kinh tế nhiều biến đổi hiện nay, muốn thành công doanh nghiệp tư nhân phải chủ động đổi mới. Nói cách khác, Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực.
Chẳng hạn, liên quan đến việc đa dạng hóa nguồn lực tài chính, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh khuyến cáo doanh nghiệp tìm hiểu và nắm bắt được cơ hội từ những định chế tài chính mới như quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mới, các công ty cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech)… thay vì chỉ quan tâm đến những định chế “truyền thống” như ngân hàng.
Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh, thực tế hiện nay ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay nhưng doanh nghiệp vẫn kêu khó. Ông gợi ý doanh nghiệp nên mở rộng những nguồn cung vốn khác, ví dụ trên thị trường chứng khoán, trái phiếu Chính phủ.
Lý do là bởi năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng cao thuộc loại hàng đầu thế giới, quy mô các thị trường cũng tăng khá mạnh. Đơn cử như sàn Hà Nội tăng trưởng tới 50% và sàn TP. Hồ Chí Minh cũng tăng gần 50%. “Đây là cơ hội để doanh nghiệp tìm được nguồn vốn ngoài ngân hàng. Vấn đề còn lại của doanh nghiệp là tiếp cận trên nguyên tắc của thị trường ra sao để đạt hiệu quả”, ông Ánh nói.
Trong bối cảnh thay đổi của thương mại thế giới khi Mỹ bỏ lối chơi đa phương, ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới cho rằng doanh nghiệp Việt muốn giữ được thị phần ở Mỹ thì phải nâng chuẩn của mình lên bởi vì ưu thế mặc cả tay đôi của Mỹ cao hơn trước, do đó, tiêu chuẩn để vào thị trường Mỹ cũng sẽ cao hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự nâng kỷ luật kinh doanh nhằm tránh bị kiện tụng và/hay bị trừng phạt ở các thị trường quan trọng như Nhật Bản, EU...
Từ 1/1/2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chính thức có hiệu lực, đây là những thuận lợi hết sức quan trọng, không chỉ hướng vào cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn giúp kết nối rất nhiều nguồn lực, chương trình, chính sách hỗ trợ khác, giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận với những nguồn lực mới. Tự nâng cao năng lực, cùng Chính phủ hành động là con đường hữu hiệu nhất cho các doanh nghiệp tư nhân giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.