Điện hạt nhân: Hướng đi bền vững
Sự cần thiết của phát triển điện hạt nhân đã ngày càng được minh chứng rõ ràng trên thế giới, biểu hiện bằng sự xuất hiện của những nhà máy điện hạt nhân trên các quốc gia và mang lại những lợi ích thiết thực cho kinh tế và môi trường toàn cầu. Việt Nam cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này sau khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng và đi vào vận hành.
Hướng đi bền vững của toàn cầu
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho rằng, để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, thế giới cần 40% điện năng từ các nguồn không phát thải carbon. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào năng lượng tái tạo thì không thể thực hiện được mục tiêu này. Bởi lẽ, các nguồn năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời khó có thể tăng trưởng đủ nhanh để cung cấp nguồn năng lượng rẻ và đáng tin cậy theo quy mô đòi hỏi của nền kinh tế toàn cầu.
Lời giải cho bài toán hóc búa này được 4 các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới gồm: James Hansen (từng là nhà khí hậu học của NASA), Kerry Emanuel (Viện Công nghệ Massachusetts), Tom Wigley (Đại học Adelaide tại Úc) và Ken Caldeira (Viện Carnegie)khẳng định: không có con đường đáng tin cậy nào để ổn định khí hậu mà không tính đến vai trò quan trọng của điện hạt nhân.
Đồng tình với quan điểm này, ông Mikhail Chudakov, Phó tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới (IAEA) cho rằng, hạt nhân với tư cách là một nguồn năng lượng hiện đại, giá cả phải chăng, đáng tin cậy và sạch cần phải được xem xét trong số các phương án carbon thấp được lựa chọn. Năng lượng hạt nhân với công nghệ tiên tiến, sẽ phục vụ nhân loại một cách hiệu quả trong thời gian dài, làm giảm thiệt hại cho các hệ sinh thái, giảm tác động xấu đến sức khỏe con người và góp phần tăng cường an ninh năng lượng.
Thống kê của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, tính đến tháng 9/2015, trên thế giới có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà máy điện hạt nhân với tổng số 438 lò phản ứng. Hiện nay, điện hạt nhân đóng góp khoảng 11,5% tổng sản lượng điện năng toàn thế giới và sẽ còn tăng thêm khi 67 lò phản ứng đang được xây dựng. Theo tính toán, công suất phát điện hạt nhân toàn cầu cần phải tăng gấp đôi vào năm 2050 (khoảng 750 GW) để nhiệt độ trái đất giảm 2 độ C.
Tiềm năng phát triển của Việt Nam
Cùng với xu hướng chung của thế giới, phát triển điện hạt nhân được đánh giá là phù hợp với các điều kiện của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đảm bảo ổn định và tăng cường an ninh năng lượng. Bên cạnh phát triển năng lượng sạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam luôn chú trọng đến yếu tố an toàn và hiệu quả khi phát triển điện hạt nhân.
Theo đó, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, quyết định về phát triển điện hạt nhân trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, năm 2009, Quốc hội đã ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 906/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030...
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng tại tỉnh Ninh thuận trong năm 2020. Đây là địa phương có đủ các điều kiện cần thiết để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong cả nước. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai thi công các dự án cơ sở hạ tầng phụ trợ cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện dự án.
Đánh giá về tiềm năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học – công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam đã có kinh nghiệm gần 30 năm vận hành lò phản ứng hạt nhân tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và đây cũng là nơi sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ cho các lĩnh vực y tế, công nghiệp và nông nghiệp… sẽ là tiền đề giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật về điện hạt nhân và vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Về nhân lực phát triển điện hạt nhân, hiện nay, Việt Nam đã có 353 sinh viên đang theo học tại cơ sở đào tạo của Nga. Trong tương lai, đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong quá trình vận hành các nhà máy điện hạt nhân.
Các nhà khoa học trong lĩnh vực này cho rằng, để xây dựng nhà máy điện hạt nhân một cách thuận lợi cần chú trọng đến 4 yếu tố then chốt bao gồm: Lựa chọn địa điểm an toàn; hệ thống pháp quy điện hạt nhân đầy đủ, phù hợp; công nghệ tiên tiến, hiện đại; xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân đầy đủ và có chất lượng cao.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ do Công ty Liên hợp ASE – NIAEP trực thuộc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) xây dựng. Khi hoàn thành, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có 4 tổ máy với công suất khoảng 4.000MW, đóng góp khoảng 3% – 4% trong tổng nhu cầu điện năng của cả nước. Theo định hướng quy hoạch phát triển, điện hạt nhân sẽ đóng góp khoảng 10% tổng công suất điện quốc gia trong những năm tới.