Điện hạt nhân: Nguồn năng lượng cho tương lai

Thanh Sơn

(Tài chính) Để đáp ứng nhu cầu điện năng tăng lên nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hoá, trong điều kiện của nước ta, điện hạt nhân có lẽ sẽ được lựa chọn như một tất yếu.

Có 430 lò phản ứng năng lượng hạt nhân thương mại đang hoạt động. Ảnh internet
Có 430 lò phản ứng năng lượng hạt nhân thương mại đang hoạt động. Ảnh internet

Khi tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21. Một thế kỷ vượt trội về mặt khoa học, công nghệ và kỹ thuật nên cần rất nhiều năng lượng trong khi tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận.

Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhu cầu điện của nước ta đang tăng 17% mỗi năm. Đến năm 2020, nước ta sẽ thiếu khoảng 36 – 65 tỷ KWh điện. Sự thiếu hụt nguồn điện trong nước sẽ ngày càng gay gắt hơn trong những giai đoạn sau đó.

Thực tế trên thế giới đã chứng minh, điện hạt nhân cung cấp nguồn năng lượng rẻ tiền và an toàn. Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng mới – năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn. Về mặt chi phí, điện hạt nhân có thể cung cấp điện năng với giá thấp hơn 50% – 80% so với các nguồn năng lượng truyền thống.

Trên thế giới đã có 31 quốc gia phát triển năng lượng hạt nhân với 430 lò phản ứng năng lượng hạt nhân thương mại đang hoạt động, với công suất trên 370.000 MW. Khoảng 70 lò phản ứng đang được xây dựng. Dự kiến điện hạt nhân toàn cầu đến giữa thế kỷ 21 sẽ đạt công suất 1.000.000 MW, chiếm tỷ trọng 19% tổng sản lượng điện chung của toàn thế giới.

Phát triển điện hạt nhân một cách hiệu quả, sẽ góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có ảnh hưởng xấu tới biến đổi khí hậu.

Nhà máy điện hạt nhân có ưu điểm là hoạt động hầu như liên tục trong khi nhà máy thuỷ điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô. Không những thế, việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đơn giản hơn. Nó không đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn, không làm biến đổi chất lượng nước hay làm mất cân bằng sinh thái.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Chất thải hạt nhân không đáng sợ bằng chất thải của nhiên liệu hoá thạch dùng để phát điện khác vì chúng có số lượng nhỏ và có thể quản lý được. So với nhà máy nhiệt điện chạy than, một nhà máy nhiệt điện hạt nhân có cùng công suất sẽ đòi hỏi nhiên liệu hạt nhân về khối lượng chỉ bằng 1/100.000 lần.

Công bố mới đây của Hội Hóa học Mỹ cho thấy, việc sử dụng điện hạt nhân trên toàn cầu giai đoạn 1971 - 2009 đã giảm được khoảng 64 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc sử dụng than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác. Đến giữa thế kỷ 21, điện hạt nhân có thể ngăn chặn được khoảng 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm môi trường mỗi năm, ngăn được phát thải khoảng 80-240 tỷ tấn khí nhà kính.

Bên cạnh đó, điện hạt nhân còn có những lợi thế cho phép tiết kiệm 5-10% điện năng trong khâu truyền tải, hệ thống lưới điện vận hành với xác suất xảy ra sự cố thấp hơn…

Phòng tránh thảm họa hạt nhân

Theo kế hoạch, vào năm 2020, Việt Nam sẽ chính thức đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên những thảm họa hạt nhân như Thảm hoạ nguyên tử Chernobyl ở Liên Xô (thuộc Ukraina ngày nay), thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản luôn ám ảnh nhân loại.

Thảm hoạ nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26/4/1986 thuộc Ukraina ngày nay, nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus Theo bản báo cáo năm 2006 của TORCH, một nửa lượng phóng xạ đã rơi xuống bên ngoài lãnh thổ ba nước cộng hoà Xô viết. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.

Ảnh hưởng bởi thảm họa sóng thần đã gây ra tình trạng hạt nhân tồi tệ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản, Cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản nâng mức khủng hoảng sự cố nhà máy điện Fukushima I lên mức 7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế hơn 4 năm trước, khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố một "tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân" do mất chất làm nguội và di tản hàng ngàn người dân sinh sống gần nhà máy Fukushima I khơi dậy những băn khoăn ở không ít những người quan tâm đến nền công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam. Những thất bại, những yếu điểm, những tồn tại đã và đang làm người dân Nhật lo sợ cũng chính là những bài học cho chúng tránh được những hậu hoạ trong tương lai.

Việt Nam là nước đang phát triển, nhiều mặt - kinh tế, văn hoá giáo dục, khoa học công nghệ, trình độ quản lý và, đặc biệt, yếu tố con người trong tư thế người chủ nền công nghiệp cao như điện hạt nhân còn xếp hàng đứng xa sau họ. Tuy nhiện Việt Nam ta phát triển điện hạt nhân sau cũng có những lợi thế nhất định là áp dụng được thành tựu khoa học hạt nhân của nhân loại trong việc phòng tránh các thảm họa tương tự.