Điện lại làm doanh nghiệp điêu đứng
Chưa giải quyết được bài toán tồn kho, nay doanh nghiệp phải hứng thêm cú sốc tăng giá điện.
Chỉ một ngày sau phát ngôn của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc tăng giá điện phải có lộ trình thì giá điện trong nước được công bố tăng thêm 5% ngay từ ngày 1-8.
Điện có tăng nữa cũng không dám tăng giá
Quyết định tăng giá điện được các doanh nghiệp (DN) cho là quá bất ngờ và họ không có phương án chuẩn bị trước nên tình hình có thể càng khó khăn hơn.
Ông Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Long An, nói: “Mỗi tháng riêng tiền điện chúng tôi phải chi đến 250 triệu đồng và mức tăng 5% sẽ đội chi phí lên rất nhiều. Đâu phải chỉ giá điện, bao nhiêu mặt hàng khác cũng sắp tăng theo. Trong khi đó, vào đầu năm là các DN xuất khẩu như dệt may đã phải báo giá cho đối tác. Giá điện tăng vào giữa năm thì không thể đột ngột thay đổi giá trong hợp đồng đã ký, đối tác cũng không chấp nhận”.
“Rất nhiều DN xi măng phản ứng với việc tăng giá điện lần này vì tình hình bán hàng đã khó, tăng giá lại không xong. Tính riêng hai quý đầu năm, sản lượng tồn kho của ngành xi măng đã là 2 triệu tấn. Chưa kể nhiều DN bị đình đốn sản xuất, không dám sản xuất nhiều vì sợ không bán được hàng. Nếu việc tăng giá điện, xăng không được tính toán kỹ, khiến DN dừng sản xuất sẽ gay go lắm.” - ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, chia sẻ.
Đại diện ngành thép, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhận định Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chọn thời điểm tăng giá không hợp lý, khi mà DN sản xuất đang “ngập” trong khó khăn.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, nói giá điện có tăng cao hơn nữa DN cũng ráng gồng gánh giảm bớt lợi nhuận chứ không thể tăng giá thực phẩm. Bởi sức mua của thị trường đang giảm sút, nếu tăng giá nữa thì làm sao kích thích tiêu dùng.
“Theo tôi Nhà nước nên có lộ trình tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu. Vì nếu để các mặt hàng nhập khẩu tràn vào nhiều với giá rẻ thì vô hình trung ta tự giết ngành sản xuất trong nước” - ông Huynh nói thêm.
Phải có lộ trình, công khai và minh bạch
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “Rõ ràng, trong buổi họp báo ngày 30-7, người phát ngôn của Văn phòng Chính phủ đã khẳng định tăng giá điện sẽ phải có lộ trình và EVN cần công khai, minh bạch, giải thích để người dân hiểu về chi phí của giá điện. Nhưng tại sao chỉ sau 48 giờ giá điện lại tăng ngay? Một điều quan trọng EVN cần phải trả lời được cho DN, người tiêu dùng là họ đã làm gì với giá điện? EVN có cố gắng cắt giảm các chi phí để hạn chế tăng giá điện chưa? Nếu như công khai, minh bạch tất cả điều đó, tôi tin họ sẽ được thông cảm”.
Ông Doanh cũng cho rằng việc tăng giá điện sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng tiếp theo vì xi măng, thép, dệt may, dịch vụ khách sạn, nhà hàng đều bị ảnh hưởng. Vấn đề là họ chịu đựng được bao nhiêu và phải tăng giá ở mức nào. Chưa kể từ nay đến cuối năm, giá dịch vụ y tế, chi phí giáo dục có thể còn tăng thêm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích việc tăng giá điện ngay sau đại diện Chính phủ nhận định cần lộ trình và lấy ý kiến người dân, giống như cách điều hành kiểu “đánh úp”. Từ năm 2009 đến nay, giá điện tăng hơn sáu lần và vẫn chưa đáp ứng được ba mục tiêu chủ yếu là hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi tài chính. Phương án xây dựng biểu giá điện còn nhiều bất cập bởi chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hạch toán giá thành của EVN, trong đó mới tính đến bù lỗ mà không tính nguyên nhân, biện pháp giảm chi phí; việc điều chỉnh mới chú trọng đến tăng giá mà chưa quan tâm đến giảm giá. Nên chăng để một tổ chức định giá điện độc lập và EVN cần công khai cơ chế tính giá bao gồm nhiều chi phí như nguồn phát, truyền dẫn, phân phối, kinh doanh bán lẻ, lợi nhuận và thuế phí…
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tăng giá điện trong bối cảnh giá một loạt mặt hàng thiết yếu khác như sữa, gas, xăng dầu đều tăng sẽ tạo áp lực lớn lên đời sống người dân.
Giá điện Việt Nam cao hơn một số nước Đông Nam Á
Theo một kết quả nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, giá điện Việt Nam cao hơn Lào 3,6 cent/kWh, Indonesia 4,6 cent, Myanmar 3,8 cent, gần bằng với Thái Lan 8,7 cent. Với mức tăng 5% từ 1-8, giá điện của Việt Nam sẽ nhích lên đáng kể. Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo từ nay đến cuối năm giá điện có thể được điều chỉnh trong khoảng 10%-15%. Tính từ năm 2009 giá điện Việt Nam tăng trung bình 10%/năm. Năm 2010 và 2011 lần lượt tăng 11,5% và 17,3%, các năm sau đó tăng khoảng 5%.