Diện mạo của "Câu lạc bộ" 1 tỷ USD

VnEconomy

Kim ngạch của "Câu lạc bộ" đã đạt trên 21,8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Kim ngạch của "Câu lạc bộ" đã đạt trên 21,8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam trên nhiều mặt.

Nhưng tác động trực tiếp nhất, nặng nhất là lĩnh vực xuất khẩu, bởi lĩnh vực này bị tác động kép, bao gồm cả về thị trường xuất khẩu, cả về giá cả xuất khẩu, cả về rào cản kỹ thuật, cả về thanh toán... Và gây ra hậu quả dây chuyền, hậu quả kép từ lĩnh vực xuất khẩu tác động ngược trở lại đối với sản xuất, đối với công ăn việc làm của người lao động, đối với cán cân thương mại, cung- cầu ngoại tệ, tỷ giá...

Chính vì thế tốc độ tăng xuất khẩu năm trước đang ở mức 29,1%, mục tiêu năm nay lúc đầu đề ra đã giảm đi quá nửa (còn 13%) và đã được Quốc hội điều chỉnh xuống thấp hơn nữa (còn 3%), nhưng sau 7 tháng vẫn còn giảm tới 13,4%, nếu không kể tái xuất vàng còn bị giảm tới 20,3%.

Khả năng cả năm rất khó thực hiện được ngay cả mục tiêu điều chỉnh bởi 5 tháng còn lại phải đạt tốc độ tăng 27%, bình quân một tháng phải đạt gần 6,5 tỷ USD, trong khi 7 tháng qua mới đạt trên 4,6 tỷ USD/tháng.

Góp phần quyết định đến sự tăng, giảm của tổng kim ngạch xuất khẩu là các "đại gia"- các thành viên của "Câu lạc bộ" đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Sau 7 tháng, diện mạo "Câu lạc bộ" này ra sao? "Câu lạc bộ" vẫn có 9 thành viên và so với cùng kỳ năm trước bị giảm một thành viên là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và thêm một thành viên mới là đá quý, kim loại quý và sản phẩm.

Thay đổi vị trí của các thành viên "Câu lạc bộ"

Kim ngạch của "Câu lạc bộ" đã đạt trên 21,8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và so với cùng kỳ năm trước tuy bị giảm 6,2% nhưng thấp bằng một nửa tốc độ giảm của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Dệt may, tuy còn bị giảm 1% so với cùng kỳ, nhưng đây có thể được coi là kết quả tích cực theo bốn nghĩa. Thứ nhất, tuy giảm nhưng giảm ít so với tốc độ giảm chung, một điểm ít người ngờ tới. Thứ hai, dệt may đã vượt qua dầu thô lên đứng đầu danh sách các thành viên "Câu lạc bộ".

Thứ ba, về thị trường, trong khi hàng dệt may xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU bị sụt giảm, thì xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm đã tăng tới 20%, đạt 440 triệu USD và sẽ tiếp tục tăng, nay lại có thêm thị trường mới là Nam Phi, Nga, Trung Đông...

Thứ tư, ngành dệt may không chỉ chiếm tỷ trọng khá trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, mà còn giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tạo sự ổn định xã hội.

Dầu thô đứng thứ hai danh sách các thành viên trong "Câu lạc bộ". Trong 7 tháng qua, dầu thô khai thác đạt trên 10,1 triệu tấn, còn phải để chế biến trong nước, nhưng lượng xuất khẩu vẫn đạt gần 9,1 triệu tấn, tăng 17,7%, song do giá giảm tới 53,1% (làm giảm tới 4,193 tỷ USD), nên kim ngạch giảm tới 44,8%. Giá dầu thô thế giới đang có xu hướng tăng, sản lượng dầu thô khai thác tăng cao nhờ có một số mỏ mới được đưa vào khai thác từ tháng 7.

Đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 2,617 tỷ USD, bất ngờ lọt vào danh sách và lại vượt lên đứng ngay thứ ba trong "Câu lạc bộ", nhờ có quy mô lớn gấp hơn 4 lần cùng kỳ.

Tuy còn có ý kiến khác nhau, nhưng việc tái xuất vàng là nhằm huy động được lượng vàng lớn đang nằm trong dân để chuyển hóa thành ngoại tệ mạnh phục vụ cho nhập khẩu thiết bị máy móc, để đổi mới thiết bị kỹ thuật-công nghệ, nhập nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, xuất khẩu, đồng thời giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại, giảm áp lực tăng tỷ giá trong điều kiện lượng ngoại tệ từ các nguồn vào nước ta bị sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nhờ tái xuất vàng mà tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ giảm 13,4% (chứ không sẽ giảm 20,3%); nhập siêu 7 tháng chỉ ở mức gần 3,4 tỷ USD (nếu không sẽ ở mức trên 5,9 tỷ USD) và áp lực tăng tỷ giá sẽ còn cao hơn nữa.

Giày dép đứng thứ tư trong "Câu lạc bộ", với kim ngạch bị giảm 9,7%. Nguyên nhân giảm chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường truyền thống bị giảm vì nhu cầu bị giảm, vì bị kiện bán phá giá và giá xuất khẩu bị giảm.

Thủy sản đứng thứ năm với kim ngạch bị giảm 8,9%. Sự sụt giảm do các nguyên nhân: do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chủ yếu bị sụt giảm; do nguồn nguyên liệu gặp khó khăn, thậm chí còn phải nhập khẩu (7 tháng nhập khẩu 154 triệu USD); do rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu... Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu này tới đây hiện đã có thêm thị trường mới là Nga, Braxin.

Gạo đứng thứ sáu trong danh sách thành viên. Năm nay, mới qua 7 tháng lượng gạo xuất khẩu đã đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng tới 46,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy tăng mạnh về lượng xuất khẩu, nhưng do giá xuất khẩu bị giảm mạnh (giảm 28,6% đã làm giảm 793 triệu USD), nên kim ngạch mới đạt gần 2 tỷ USD, chỉ tăng 4,4%. Lượng gạo có khả năng và được phép xuất khẩu còn lớn. Thị trường nhập khẩu gạo đang được mở thêm sang châu Phi, nên năm nay sẽ là một trong hai năm có số lượng gạo xuất khẩu và kim ngạch đạt lớn nhất từ trước tới nay.

Điện tử máy tính đứng thứ bảy với kim ngạch của mặt hàng này giảm 3,7% so với cùng kỳ, nhưng cũng thấp hơn nhiều so với tốc độ giảm chung.

Gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ tám trong danh sách, có kim ngạch bị giảm  17,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do thị trường nhập khẩu bị thu hẹp  và giá cả bị giảm. Tới đây, thị trường mới được mở ra là Trung Đông.

Cà phê đứng thứ chín trong danh sách "Câu lạc bộ". Mặt hàng này có lượng xuất khẩu đã đạt 802 nghìn tấn, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước; song do giá xuất khẩu giảm 29,2% (làm giảm 491 triệu USD), nên kim ngạch giảm 15,7%.

 
Diện mạo của "Câu lạc bộ" 1 tỷ USD - Ảnh 1

 
Gần nửa thành viên thuộc ngành nông lâm thuỷ sản

Một biểu hiện của diện mạo "Câu lạc bộ" đạt 1 tỷ USD trở lên là hàng nông lâm thuỷ sản đã có 4/9 mặt hàng nằm trong danh sách các thành viên có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

Nhóm nông, lâm, thủy sản ngoài 4 mặt hàng trên, còn có các mặt hàng khác đạt kim ngạch khá, cao su đạt 331 nghìn tấn, tăng 4,7% (nhưng do giá giảm tới 45,7% làm giảm 401 triệu USD), nên kim ngạch chỉ đạt 475 triệu USD, giảm 43,2%.

Hạt điều đạt 93 nghìn tấn, tăng 1,7%, nhưng do giá giảm 19,1% (làm giảm 98 triệu USD), nên kim ngạch chỉ đạt 414 triệu USD, giảm 17,7%. Sắn và sản phẩm sắn đạt 407 triệu USD, tăng 85,6%.

Rau quả đạt 245 triệu USD, chỉ giảm 0,2%. Hạt tiêu đạt 83 nghìn tấn, tăng tới 43,1%, nhưng do giá giảm 33,2% (làm giảm 96 triệu USD), nên kim ngạch chỉ đạt 194 triệu USD, giảm 4,4%.

Chè đạt 67 nghìn tấn, tăng 15,1%, nhưng do giá giảm 8,9% (làm giảm 8 triệu USD), nên kim ngạch chỉ tăng 4,4%. Chỉ tính với các mặt hàng gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, chè do giá giảm đã làm giảm 1,887 tỷ USD, tương đương với trên 33 nghìn tỷ đồng!

Tuy nhiên có ba điểm đáng lưu ý: nhìn chung là lượng tăng, giá giảm mạnh; trong 4/23 mặt hàng chủ lực tăng thì nông, lâm thuỷ sản đóng góp 3; kim ngạch hàng nông, lâm thuỷ sản giảm 9,6% thấp hơn tốc độ giảm chung; nếu không kể tái xuất vàng thì tốc độ giảm chỉ còn bằng một nửa (9,6% so với 20,3%).