Điều chỉnh biên độ tỷ giá có phải là động thái tích cực?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Nhiều chuyên gia đã có đánh giá tích cực trước động thái nới biên độ tỷ giá của NHNN nhằm cân bằng cung cầu thị trường trong bối cảnh áp lực với tỷ giá tăng mạnh.
Không thể kiên cố “thành trì” tỷ giá
Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Để thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới, NHNN cho rằng, Việt Nam không thể cố định mục tiêu ổn định tỷ giá, kiên cố “thành trì” tỷ giá, mà phải linh hoạt. Mặt khác, khi đồng tiền của Việt Nam quá ổn định trong bối cảnh nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại mất giá lớn cũng được xem như “bất lợi kép” trong cạnh tranh.
Do đó, ngày 17/10/2022, NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%.
Nhìn lại, điển hình như tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay tăng chưa quá 2% cũng đã cho thấy NHNN đã cố gắng giữ ổn định, bên cạnh những can thiệp như bán ra ngoại tệ, nâng lãi suất điều hành… Vì thế, bước chuyển nới biên độ vừa qua của NHNN đã mở ra một hướng linh hoạt thêm. Ít nhất trong ngày 17/10 giá USD bán ra của các ngân hàng đã không còn kịch trần, mà có thêm “khoảng hở” 275 VND.
Đánh giá về động thái này, ông Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng NHNN đã phát đi một thông điệp rằng tỷ giá trung tâm mà NHNN công bố tạo ra một không gian rộng lớn hơn.
Theo đó, các chủ thể trong đó có các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài, người dân... có thể lựa chọn các cách thức để xác lập một tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường, rồi NHNN vẫn phải là người mua cuối cùng, bán cuối cùng làm sao cho tỷ giá của chúng ta đạt được ở vùng tỷ giá tối ưu.
Trao đổi về lý do điều chỉnh biên độ tỷ giá đồng thời nâng tỷ giá trung tâm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, một trong những nguyên nhân khiến NHNN có động thái điều chỉnh có thể là do sức ép từ cán cân vãng lai. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm). Với các sức ép về tỷ giá lớn như vậy, NHNN buộc phải áp dụng điều chỉnh.
Ông Francois Painchaud - Đại diện Thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng: "với nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam và lạm phát tương đối thấp, tỷ giá hối đoái được điều hành linh hoạt theo đánh giá của chúng tôi, đây là một động thái tích cực".
Các doanh nghiệp chịu tác động thế nào từ điều chỉnh biên độ tỷ giá?
"Điều này mang đến hai tác động trái chiều. Về mặt tích cực, tâm lý trì hoãn giải ngân của các doanh nghiệp FDI do lo ngại phá giá VND sẽ được giải tỏa phần nào so với giai đoạn trước khi NHNN cố giữ giá đồng nội tệ sẽ tạo ra tâm lý lo ngại khả năng VND bị định giá quá cao. Nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn nguyên vật liệu đầu vào ít phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ được hưởng lợi do nguồn thu từ ngoại tệ khi quy đổi sang VND sẽ tăng lên sau khi VND giảm giá.
Về mặt tiêu cực, áp lực nhập khẩu lạm phát sẽ gia tăng và từ đó có thể tác động liên đới lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Các doanh nghiệp có nguồn nguyên vật liệu đầu vào phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu trong khi đầu ra chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ chịu tác động bất lợi." - ông Hoàng Huy, Chuyên gia phân tích chiến lược, Công ty chứng khoán aybank Kim Eng (MBKE) cho hay.
Ông Hoàng Huy - Chuyên gia phân tích chiến lược của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, việc mở rộng biên độ tỷ giá sẽ ảnh hưởng không mấy tích cực tới các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ lớn như ngành Thép, Hàng không, Điện... Tuy nhiên, ngành Thuỷ sản, hoá chất và bất động sản khu công nghiệp lại là được hưởng lợi.
Ông Đinh Công Khương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Dịch vụ Thép Duy Khương cho biết, hiện có đến 20%-30% nguồn nguyên liệu sản xuất thép phải nhập khẩu, nên giá nguyên liệu nhập sẽ tăng. Nếu cộng chung với chi phí sản xuất thì ước tính chi phí thành phẩm sẽ tăng lên từ 1-3%.
Trong khi đó, những đơn hàng ngắn hạn thì không thể đàm phán với đối tác để điều chỉnh giá. Việc tăng giá đồng USD hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái lợi nhuận 0%.
Khó khăn nối tiếp khó khăn khi các DN ngành Thép và nhựa đang đối mặt với nguy cơ suy giảm thị trường xây dựng. Thị trường bất động sản trầm lắng đã khiến nhu cầu tiêu thụ thép và nhựa giảm mạnh từ quý III/2022 đến nay.
Đối với các nhóm hàng lương thực thực phẩm, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, đây là thời gian cao điểm để doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nhằm tăng nguồn hàng dự trữ, chuẩn bị phục vụ cao điểm nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.
Có đến 60% nguồn nguyên liệu sản xuất ngành lương thực thực phẩm phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, việc tăng giá đồng USD chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp cho biết sẽ phải điều chỉnh giá bán nhất định nếu chi phí phát sinh thêm, bởi nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực kiềm giá, ổn định giá bán trong suốt thời gian dài khi giá xăng tăng.
Trao đổi về các tác động của việc điều chỉnh biên độ tỷ giá, PGS.,TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND của NHNN sẽ làm cho thị trường giao dịch với tỷ giá hợp lý. Các ngân hàng thương mại mua bán với tỷ giá mới, từ đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện bán USD ngay khi thu được cho các ngân hàng thương mại.
Còn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, PGS.,TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với việc các ngân hàng thương mại nâng giá bán USD gần mức giá thị trường thì sẽ phải tính toán nhập khẩu lượng hàng hóa phù hợp, chủ động mua USD đúng lúc để giảm áp lực lạm phát.