Điều chỉnh chính sách tài khóa cần có chọn lọc để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá rất cao chính sách tài khóa mở rộng được thực hiện trong những năm qua, đã kịp thời giúp cho nền kinh tế, doanh nghiệp vượt qua được khó khăn. Trong thời gian tới, việc điều chỉnh chính sách tài khóa cần có chọn lọc để tạo nguồn lực tốt cho phát triển kinh tế, xã hội.
Phóng viên: Trong gần 5 năm qua, Việt Nam đã duy trì chính sách tài khóa linh hoạt, mở rộng, có trọng tâm trọng điểm hỗ trợ nền kinh tế. Chính sách này có tác động như thế nào đối với nền kinh tế của nước ta thời gian qua, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Chính sách tài khóa đã hỗ trợ được rất tốt cho nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, là một trong những “trụ cột” cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm phục hồi.
Cụ thể, trong gần 5 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động, linh hoạt tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển một cách bền vững.
Chính sách tài khóa đã đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đã có tác động trực tiếp thúc đẩy tiêu dùng, qua đó giúp doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, phục hồi nhanh hơn.
Trong những năm gần đây, dù kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều nền kinh tế tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm do đại dịch COVID-19 thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá, thậm chí năm 2022, GDP của Việt Nam còn đạt mức kỷ lục - trên 8%.
6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế tiếp tục đạt được kết quả khả quan, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,42% (tính đến hết quý II/2024) - đây là mức tăng trưởng khá cao.
Trong năm nay, chính sách tài khóa tiếp tục là điểm nhấn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, ngoài chính sách hỗ trợ thuế, phí thì đầu tư công giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, vừa tạo ra tiền đề cho tăng trưởng trong dài hạn tốt hơn.
Tuy nhiên, việc thực thi chính sách tài khóa mở rộng thời gian qua cũng gặp một số vấn đề bất cập như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch đề ra, nhất là ở vực như TP. Hồ Chí Minh. Bản thân chính sách khóa là “đòn bẩy” hữu hiệu đưa nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng vì một số vướng mắc trên khiến chính sách tài khóa chưa phát huy được hết vai trò của mình.
Phóng viên: Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp đã được hưởng lợi như thế nào từ chính sách tài khóa mở rộng này?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Phải nói là chính sách tài khóa được xem là “phao cứu sinh” giúp các doanh nghiệp vượt qua được thời điểm khó khăn nhất sau đại dịch. Điều này đã thể hiện được sự “thấu hiểu” của Chính phủ, Bộ Tài chính đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Trong bối cảnh vừa trải qua dịch bệnh, chính sách miễn, giảm nhiều loại thuế phí đã giúp cho các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn, để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Theo số liệu mà Bộ Tài chính công bố thì số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất mỗi năm lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa mở rộng của Bộ Tài chính có hiệu ứng lan tỏa rất mạnh. Đơn cử như đối tượng doanh nghiệp liên quan tới đầu tư công được hưởng lợi nhất từ chính sách tài khóa mở rộng. Các doanh nghiệp được tăng cường chỉ tiêu đầu tư công, tạo điều để phát triển sản xuất kinh doanh, có lợi nhuận, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Điều này cũng góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, từ năm 2025, cần điều chỉnh lại chính sách tài khóa trở lại bình thường như trước đây, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Như tôi đã đề cập, chính sách tài khóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực. Tôi đánh giá rất cao chính sách này. Do vậy, đối với việc thắt chặt chính sách tài khóa thì có thể xem xét trong các vấn đề thu chi ngân sách, hay các chính sách về thuế.
Theo đó, khi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có dấu hiệu sáng sủa hơn, từ năm 2025 trở đi, việc miễn giảm thuế, phí không nên thực hiện một cách cào bằng, ồ ạt mà chúng ta nên lựa chọn ưu đãi cho những đối tượng, ngành nghề quan trọng và có thể tạo đột phá cho nền kinh tế và cân bằng giữa hỗ trợ cung và cầu.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo hiệu quả chi ngân sách cũng là một yếu tố rất quan trọng. Nếu tăng được hiệu quả các nguồn chi ngân sách, bao gồm chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp sẽ trực tiếp hưởng lợi, đồng thời, môi trường kinh doanh sẽ càng ngày càng thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế thì bắt buộc phải phát triển cơ sở hạ tầng như đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt hay như sân bay Long Thành… Đây là những dự án trọng điểm quốc gia, việc tiếp tục đầu tư là rất quan trọng. Bởi một khi hạ tầng được đồng bộ sẽ tìm được nguồn vốn, tạo điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc giải ngân đầu tư công hợp lý sẽ tạo được lợi thế tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nói cách khác, việc thắt chặt chính sách tài khóa cần cân nhắc về lộ trình thực hiện và linh hoạt theo hướng tôi chia sẻ ở trên.
Phóng viên: Đối với nền kinh tế, cần lưu ý những vấn đề trong thời gian tới, thưa ông?
PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân: Ngân hàng Thế giới nâng cao dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 và dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,5% trong 2024 và tiếp tục nằm trong một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Tôi hy vọng tốc độ tăng trưởng năm nay có thể cán đích 6% do Quốc hội đề ra nhờ vào sự phục hồi tốt của xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua cũng đạt được những kết quả tích cực và các tổ chức quốc tế cũng có những dự đoán tích cực vào kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức như thị trường vốn, thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và ảnh hưởng đến hiệu quả về sử dụng vốn, sức ép, về tỷ giá, lạm phát... cũng một trong những vấn đề cần chú ý.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!