Không nhất thiết phải thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng

Đức Mạnh

Theo ông Andrea Coppola - chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), với mức tiềm năng tăng trưởng như hiện nay thì không nhất thiết phải thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng. Việt Nam có thể thực hiện chính sách tài khóa dè dặt hơn, tức là quay trở lại như trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Quang cảnh họp báo.
Quang cảnh họp báo.

GDP Việt Nam có thể tăng tốc lên 6,5% trong các năm 2025–2026

Ngày 26/8, WB tổ chức họp báo công bố “Báo cáo điểm lại- cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề “vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn”.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Cụ thể, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,4%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (5%), nhờ xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến được phục hồi, cũng như mức đầu tư và tiêu dùng cao hơn; lạm phát cơ bản tiếp tục giảm còn 2,6% trong tháng 6/2024…

Đặc biệt, ngân sách nhà nước thặng dư sau giai đoạn mở rộng tài khóa nhẹ. Ngân sách nhà nước ghi nhận bội thu 4,2% GDP trong nửa đầu năm 2024, so với 1,5% trong nửa đầu năm 2023 do tăng thu từ vốn qua bán đất, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng tăng… Trên thị trường vốn, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã đang tăng trở lại, ở mức 2,5 lần trong nửa đầu năm 2024 so cùng kỳ năm 2023…

Trên cơ sở kết quả của nền kinh tế trong những tháng qua, WB nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm 2024 vẫn ở mức tích cực. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,1% trong năm 2024, và tăng tốc lên 6,5% trong các năm 2025–2026.

WB lưu ý, trong điều kiện nền kinh tế chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19, giải ngân đầu tư công cần tiếp tục được đẩy nhanh để hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp những thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh. Chỉ cần tăng đầu tư công thêm một điểm phần trăm so GDP có thể khiến cho GDP tăng thêm 0,1 phần trăm.  

Đưa các chính sách tài khóa trở lại trạng thái bình thường

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam.
Ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam.

Theo bà Dorsati Madani, Chính phủ Việt Nam dự kiến củng cố cân đối ngân sách khi nền kinh tế quay lại lộ trình tăng trưởng cao hơn. Bội chi ngân sách dự kiến sẽ giảm còn 0,8% GDP trong năm 2024, tiếp tục giảm còn 0,5% và 0,1% GDP lần lượt trong năm 2025 và 2026, trong quá trình quay lại củng cố cân đối ngân sách trên cả chi tiêu và nguồn thu từ thuế trong năm 2024.

Trong hai năm tới, chi thường xuyên tiếp tục được cân đối trên cơ sở kế hoạch tài chính 5 năm đang triển khai. Số thu nội địa được cải thiện cũng dự kiến sẽ hỗ trợ củng cố cân đối nhờ cơ sở tính thuế được mở rộng, đồng thời, các luật thuế lớn (thuế GTGT và TNDN) được sửa đổi cũng như cải thiện về quản lý thuế sẽ giúp tăng số thu.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cần tiếp tục cải thiện hệ số an toàn vốn, củng cố khung thể chế, nâng cao hiệu quả giám sát bằng cách tăng cường bảo vệ pháp lý cho cơ quan giám sát, đảm bảo có hạ tầng chính sách và hạ tầng thể chế tốt hơn.

Đặc biệt, Việt Nam cũng cần phải tiếp tục củng cố môi trường pháp lý cho các dịch vụ thiết yếu như công nghệ thông tin truyền thông, điện năng, giao thông vận tải…, vì đây là những lĩnh vực tạo ra hạ tầng trong tương lai để thu hút đầu tư tư nhân – điểm cực kỳ quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thương mại, tăng cường hội nhập và kết nối khu vực, tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tăng cường hệ sinh thái kinh tế tư nhân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc có nên thực hiện điều chỉnh chính sách tài khóa, bao gồm cả chính sách thuế, phí quay trở lại trang thái bình thường như trước khi diễn ra dịch COVID-19 tại họp báo, ông Andrea Coppola - chuyên gia Kinh tế trưởng WB nêu rõ, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng trong thời gian qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thể hiện qua 2 thành tố quan trọng: miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế, phí và tiền thuê đất giúp DN và người dân có thêm nguồn tài chính; đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng.

Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng khá tích cực, thậm chí dự báo đạt 6,5% vào năm 2025-2026, nhu cầu sử dụng các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế sẽ giảm dần. Do đó, Chính phủ Việt Nam đang tính tới việc đưa các chính sách tài khóa trở lại trạng thái bình thường, tức là áp dụng các chính sách thuế, phí như trước khi dịch bệnh xảy ra.

 “Trước mắt, với mức tiềm năng tăng trưởng như hiện nay, thì không nhất thiết phải thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng. Việt Nam có thể thực hiện chính sách tài khóa dè dặt hơn, tức là quay trở lại như trước khi xảy ra dịch COVID-19”, ông Andrea Coppola nhấn mạnh.