Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4 - 4,5%).
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và các chính sách khác; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, đối với nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, theo thẩm quyền, chức năng, Bộ Tài chính rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, các Luật thuế… và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật, gửi Bộ Tư pháp trong tháng 7/2024 để tổng hợp.
Đối với nhiệm vụ tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định trong tháng 6/2024 để tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; rà soát các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ, hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất; trong tháng 7/2024 trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý số cắt giảm 5% dự toán chi thường xuyên được giao đầu năm của các bộ, cơ quan, địa phương.
Đối với nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ. Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao...
Đối với nhiệm vụ tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Bộ Tài chính tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình về việc xử lý các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại SBIC...
Đối với nhiệm vụ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể. Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lộ trình điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý, nhất là điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… khi có dư địa và điều kiện cho phép, với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh dồn vào cùng một thời điểm.