Điều chỉnh tỷ giá cần phụ thuộc tăng trưởng kinh tế
(Tài chính) Việc điều chỉnh tỷ giá cần phụ thuộc vào mức tăng trưởng của nền kinh tế, do đó một chính sách tỷ giá bò trườn 1-2 VND/ngày được TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) đề xuất, có thể mang lại hữu ích cho nền kinh tế, khi đảm bảo được sự ổn định trong ngắn hạn và linh hoạt trong dài hạn.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức ngày 15/4.
Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ chỉ hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng GDP, song theo phân tích của TS. Độ, nền kinh tế đang có sự dư thừa hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng dư thừa công suất.
Dẫn chứng, chênh lệch giữ tổng cầu – tổng cung của Việt Nam đã đạt đỉnh vào năm 2007, nhưng sau đó lại liên tục giảm. Đến năm 2014 khoảng trống sản lượng đang ở mức âm 0,1%, tức là tổng cầu đang thấp hơn tổng cung khoảng 0,1%. Như vậy, về cơ bản tổng cung và tổng cầu đang cân bằng.
Song theo nhận định của TS. Độ, nếu nền kinh tế vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng 6,5% trong các năm 2015 và 2016, hiện tượng dư thừa công suất cùng với giảm phát nhiều khả năng sẽ xảy ra. Phân tích từ mô hình dự báo cho thấy: Nếu nền kinh tế chỉ tăng trưởng 6,2% trong các năm 2015 và 2016, lạm phát trung bình giai đoạn 2015 – 2017 sẽ ở mức 0%/năm, tức là xác suất nền kinh tế rơi vào giảm phát là 50%.
Hiện nay, mặc dù bức tranh kinh tế cho thấy xu hướng đang phục hồi, song những nghi ngờ về tính bền vững của xu hướng phục hồi trong quý I/2015 vẫn còn. Bởi theo giả thiết mà TS. Độ đưa ra, một phần của sự phục hồi kinh tế trong quý I/2015 đến từ việc thị trường kỳ vọng tỷ giá tăng và giá hàng hoá trên thế giới đang trong xu hướng giảm. Do đó, các DN tranh thủ nhập thêm nguyên vật liệu, máy móc để tăng đầu tư, sản xuất.
Bên cạnh xu hướng kinh tế phục hồi, đã góp phần khiến cho tín dụng trong 3 tháng đầu năm 2015 tăng 1,5% so với mức âm cùng kỳ năm 2014, thâm hụt thương mại trong quý I/2015 đã đạt 1,8 tỷ USD so với mức xuất siêu 1 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, và tăng trưởng kinh tế đã đạt mức 6,03%. Do đó, TS. Độ cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các quý tới sẽ khó gây được ấn tượng mạnh.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi mục tiêu tỷ giá tăng không quá 2%/năm được đánh giá là hoàn toàn đúng đắn. Song trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ và tỷ giá giữ vai trò lớn trong việc điều tiết tổng cầu , ổn định sản lượng, nhất là khi nền kinh tế gặp những cú sốc tiêu cực. Khi tổng cầu nền kinh tế yếu, việc thực thi chính sách đồng tiền yếu để ngăn chặn hay giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất là rất cần thiết, nhằm duy trì việc làm cho người lao động.
Dù nền kinh tế đang trong xu thế phục hồi, nhưng tốc độ phục hồi cao và tính bền vững chưa được khẳng định, nên TS. Độ cho rằng việc nền kinh tế rơi vào trạng thái giảm phát chỉ còn là vấn đề của thời gian. Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước có độ mở kinh tế cao, nhưng tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Nên vấn đề hiện nay là trong trung hạn, cần có cơ chế khuyến khích để khu vực xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn, tận dụng nhu cầu bên ngoài để ngăn chặn sự dư thừa công suất, có thể xảy ra trong bối cảnh tiêu dùng và đầu tư trong nước chưa thể tăng mạnh và bền vững, do nợ xấu, nợ công và lãi suất thực vẫn ở mức cao.
Do đó, theo khuyến nghị của TS. Độ, việc xác định giới hạn điều chỉnh tỷ giá tối đa mỗi năm cần dựa trên tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Cụ thể, nếu Ngân hàng Nhà nước dự đoán nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trở lên, trong các năm 2015 – 2016, mức điều chỉnh tỷ giá của cả năm có thể giới hạn trong khoảng 1 – 2%, thậm chí, khi kinh tế tăng trưởng mạnh, có thể không cần điều chỉnh tỷ giá.
Tuy nhiên, nếu nền kinh té vẫn chỉ tăng trưởng khoảng 6 – 6,2%/năm và có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát, việc nới rộng biên độ điều chỉnh tỷ giá lên mức 3%/năm cũng cần được cân nhắc, nhất là khi nhiệm vụ hạ mặt bằng lãi suất 1 – 1,5% đang rất khó thực hiện trong bối cảnh nợ xấu, thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao.