Điều chưa biết về ứng dụng AI ở châu Á - Thái Bình Dương


Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương đang ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhanh hơn đáng kể so với các quốc gia phát triển khác.

Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương đang tăng tốc ứng dụng AI
Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương đang tăng tốc ứng dụng AI

Nghiên cứu do Deloitte Access Economics thực hiện vào tháng 2 và tháng 3, khảo sát gần 3.000 sinh viên đại học và khoảng 9.000 nhân viên tại 13 địa điểm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á có tỷ lệ người dùng AI cao hơn tới 30% so với Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Theo báo cáo, những người lao động trẻ tuổi có khả năng sử dụng AI cao gấp đôi so với những người đang ở độ tuổi trung niên. Trong khi cứ 5 sinh viên đại học thì có 4 người đang sử dụng công nghệ này.

AI cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của sinh viên, với 60% trong số họ nói rằng công nghệ này sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp của họ.

Kho Wei Any, quản lý cấp cao tại Deloitte Đông Nam Á cho biết, các mô hình ngôn ngữ AI đặc biệt hữu ích ở châu Á-Thái Bình Dương vì đây là một trong những khu vực đa dạng về ngôn ngữ nhất trên thế giới, với hơn 3.000 ngôn ngữ được ghi nhận.

Nghiên cứu của Deloitte cũng cho thấy, các CEO và lãnh đạo cấp cao không chỉ phải nghĩ đến việc kết hợp AI vào doanh nghiệp của họ để hoạt động hiệu quả hơn mà còn phải suy nghĩ lại các quy trình để đảm bảo họ có thể thích ứng với sự bùng nổ AI thay vì bị gián đoạn bởi nó.

Ông nói thêm: “AI ngày càng được sử dụng nhiều hơn để dịch văn bản hoặc lời nói, giúp phá bỏ rào cản ngôn ngữ và kết nối mọi người cũng như doanh nghiệp trên toàn cầu”.

Tuy nhiên, ông Chris Lewin, nhà phân tích AI tại Deloitte châu Á-Thái Bình Dương cảnh báo, mặc dù việc áp dụng công nghệ AI một cách nhanh chóng sẽ không trực tiếp làm tăng tình trạng thất nghiệp, song những tác động tiêu cực sẽ sớm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp không thích ứng với chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, chỉ một nửa số nhân viên được khảo sát tin rằng họ đã tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ AI. Các lĩnh vực như tài chính, công nghệ thông tin, truyền thông, dịch vụ chuyên nghiệp và giáo dục ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ trải qua sự chuyển đổi đáng kể do sự trỗi dậy của AI. Những lĩnh vực này chiếm khoảng 1/5 sản lượng kinh tế của khu vực.

Các chuyên gia từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng, chìa khóa cho tăng trưởng toàn diện và bền vững trong khu vực sẽ là cải cách công nghệ để khai thác cuộc cách mạng kỹ thuật số, bao gồm cả việc phát triển các hệ thống AI tiên tiến. 

Để đạt được sự cân bằng trong việc ứng dụng và phát triển AI giữa các nền kinh tế, một khuôn khổ toàn diện với bốn trụ cột là rất quan trọng. Điều này bao gồm xây dựng môi trường chính sách thuận lợi với các khoản đầu tư quốc gia và khuôn khổ quản trị cơ sở hạ tầng AI; liên tục thực hiện các hoạt động đổi mới và R&D để làm cho các mô hình ngôn ngữ lớn ở mọi cấp độ được triển khai dễ dàng hơn và nhanh hơn; các ứng dụng công nghệ mở và có thể mở rộng trong khu vực; và xây dựng một hệ sinh thái liên kết giữa chính phủ, ngành công nghiệp và giới học thuật.

AI không chỉ là vấn đề công nghệ, mà nó ngày càng trở thành động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy thương mại kỹ thuật số trên khắp châu Á -Thái Bình Dương. AI cũng có ý nghĩa lớn đối với xã hội, vì nó có thể biến đổi các mối quan hệ vốn và lao động, đồng thời khuyến khích các hình thức tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện hơn.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn