Điều gì có thể ngăn cản thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung?
Một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sớm được ký kết là mong đợi hiện nay, khi các vòng đàm phán gần đây có những tiến bộ rõ rệt. Dù vậy, những rào cản bất ngờ có thể làm đàm phán kéo dài hơn hoặc rẽ sang một hướng khác...
Sắp về đích?
Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc diễn ra từ Bắc Kinh đến Washington trong hai tuần vừa qua đã trở thành tâm điểm chú ý. Hầu hết các chia sẻ và bình luận của các quan chức hai bên đều cho thấy kết quả đạt được lớn hơn nhiều so với trước đây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đánh giá cao thành quả đã đạt được giữa hai bên sau các vòng đàm phán vừa qua. Còn ông Trump còn gọi vòng đàm phán mới nhất ở Washington là một "thành công lớn".
Một báo cáo gần đây cũng cho biết hai nước đã đạt được 90% thỏa thuận về thương mại, trong đó những bất đồng lớn nhất từ trước đến nay về sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ cho đến đánh cắp mạng đều đã được thỏa thuận giải quyết, khi mà Bắc Kinh đưa ra những đề xuất "chưa từng có” trong các cuộc đàm phán trước đây và thừa nhận Mỹ có lý khi phàn nàn về các vấn đề này.
Mười phần trăm còn lại được cho là "phần khó nhất trong cuộc đàm phán và sẽ yêu cầu cả hai bên phải đánh đổi", trong đó Bắc Kinh muốn Washington gỡ bỏ thuế quan hiện có với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Mỹ muốn Trung Quốc đồng ý các điều khoản của một cơ chế đảm bảo tuân thủ thỏa thuận. Trong trường hợp Trung Quốc vi phạm những điều khoản ký kết, Mỹ có thể đơn phương áp đặt hàng rào thuế trở lại lên hàng hóa Trung Quốc.
Dù vậy, một thỏa thuận thương mại tiềm năng để giải quyết cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giời dường như đang gần hơn bao giờ hết. Diễn biến tăng mạnh của chứng khoán toàn cầu những phiên vừa qua có thể xác nhận kỳ vọng của giới đầu tư về cơ hội sớm ký kết đàm phán Mỹ - Trung và sẽ có một hiệp định thương mại. Trong khi cố vấn Nhà Trắng cho biết các quan chức Mỹ - Trung sẽ nỗ lực đàm phán để đạt được thỏa thuận, thì ông Trump chia sẻ đầy ẩn ý rằng "Sẽ biết có thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung hay không trong vòng bốn tuần nữa".
Những tín hiệu trên cho thấy hai bên chỉ còn đang chờ đợi một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức để chính thức ký kết hợp thức hóa những điều khoản đã thỏa thuận, khi hai phái đoàn đàm phán dường như đã hiểu rõ quan điểm của nhau và thống nhất ở các vấn đề chính. Dù vậy, không loại trừ diễn tiến mọi việc có thể bất ngờ rẽ sang một hướng khác hoặc xuất hiện thêm những chướng ngại mới.
Rào cản bất ngờ
Tổng thống Trump chính là một trong những "rào cản tiềm năng" cần phải dè chừng. Trong khi Chủ tịch Tập tỏ ra sốt ruột, kêu gọi sớm kết thúc các cuộc đàm phán và hối thúc nhanh chóng ký kết hiệp định thương mại, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu và phải chịu nhiều cú sốc, thì ông Trump vẫn tỏ ra ung dung. Trong những phát biểu gần đây, tuy vẫn đánh giá các cuộc đàm phán diễn ra tốt đẹp, nhưng ông cho biết không hứa chắc về một thỏa thuận và cũng chia sẻ một cách thẳng thắn rằng "Nếu chúng ta có một thỏa thuận thì mới tổ chức hội nghị thượng đỉnh".
Chính vì vậy, không loại trừ trường hợp ông Trump có thể tiếp tục trì hoãn việc ký kết thỏa thuận thương mại. Thứ nhất là nhìn vào quá khứ rút lui khỏi các thỏa thuận đầy bất ngờ của ông, từ các thỏa thuận đang trong giai đoạn đàm phán như với CHDCND Triều Tiên, cho đến các hiệp định đã ký kết như thỏa thuận hạt nhân với Iran, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và một loạt hiệp ước khác, thì có thể thấy Tổng thống Mỹ sẵn sàng thay đổi. Trong trường hợp không vui khi thấy Mỹ không đạt được lợi ích như mong đợi, ông Trump sẵn sàng rời bỏ một cách không nuối tiếc. Thứ hai là những lời đánh giá tích cực về kết quả đàm phán có thể chỉ nhằm trấn an các nhà đầu tư chứng khoán và giúp kéo thị trường lên điểm, khi ông Trump luôn là một trong những lãnh đạo thích lấy diễn biến của chứng khoán để làm thước đo cho sự thành công của chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ của mình. Thứ ba là với việc Trung Quốc có dấu hiệu theo chân Nga muốn "nhúng tay" vào những khủng hoảng, rối loạn chính trị tại Venezuela, do đó ông Trump có thể trì hoãn ký kết thỏa thuận thương mại để nắn gân đối thủ và thể hiện sự phản ứng với hành động Trung Quốc đưa quân vào Venezuela mới đây, dù Bắc Kinh đã phủ nhận thông tin này. Và cuối cùng là nếu trì hoãn đến cuối năm nay hoặc sang năm 2020 mới chính thức ký kết thỏa thuận thương mại, ông Trump có thể tận dụng thời điểm tốt nhất để ghi điểm với cử tri nếu muốn tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm sau.
Đó là những cơ sở có thể thúc đẩy ông Trump quyết định đi ngược với kỳ vọng hiện nay. Dù vậy, cho dù nếu thỏa thuận sớm được ký kết trong một vài tháng tới, thì cũng chưa hẳn là mọi thứ đã kết thúc. Mỹ vẫn có thể áp thuế bất cứ lúc nào nếu Trung Quốc không tuân thủ, như điều khoản mà Mỹ đang theo đuổi.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, bất kỳ thỏa thuận nào có lẽ cũng không toàn diện như những gì ông Trump tuyên bố và thỏa thuận cũng không giải quyết tất cả vấn đề, với dẫn chứng là những thay đổi về NAFTA gần đây về cơ bản chỉ là thay đổi về cái tên sang UMSCA (thỏa thuận ba bên Mỹ - Mexico - Canada). Rõ ràng với cách thức vận hành kinh tế cơ bản của Trung Quốc hiện nay thì sẽ không thể ngày một ngày hai mà thay đổi như Mỹ mong muốn.