Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Xác định 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/BCSĐ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024.
Nhiệm vụ tổng quát được đề ra là quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.
Ngành Tài chính phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp với ngoại lực là quan trọng, cần thiết, đột phá, thường xuyên.
Đặc biệt, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính – ngân sách cũng được chỉ đạo tập trung; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó tạo kênh thông tin quan trọng trong việc lấy ý kiến rộng rãi đối với các văn bản quy pháp luật ngay trong quá trình soạn thảo, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến, truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội; tập trung tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh.
Nghị quyết cũng nêu rõ việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu cũng được Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính chỉ đạo rõ trong Nghị quyết như: Tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi; Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng; Đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; Đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh...