Điều hành giá xăng dầu tránh gây sốc cho thị trường

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Đã qua hơn 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 7 lần, trong đó có 3 lần giảm và 4 lần tăng. Về cơ bản, giá xăng dầu đã được điều chỉnh dần bám theo thị trường và không gây sốc khi chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước- người dân và doanh nghiệp (DN).

 Điều hành giá xăng dầu tránh gây sốc cho thị trường
Giá xăng trong nước đang ở mức cao do giá thế giới liên tục tăng. Nguồn: internet

Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu đã được điều hành linh hoạt phù hợp với diễn biến giá thị trường thế giới và đảm bảo mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát.

3 tháng đầu năm, mặc dù giá xăng dầu thế giới biến động tăng so với những tháng cuối năm 2012 nhưng để bình ổn thị trường giá cả trong dịp Tết, Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã giữ ổn định giá bán xăng dầu thông qua các biện pháp cho phép các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng, dầu.

Đến cuối tháng 3/2013, do Quỹ BOG xăng dầu đã hết; được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, liên Bộ cho phép DN tăng giá và ngừng sử dụng Quỹ.

Liên tục trong tháng 4/2013, Liên Bộ đã 3 lần yêu cầu các DN điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu trong nước (riêng dầu madut được giữ ổn định) và 2 lần điều hành khôi phục một phần thuế nhập khẩu xăng dầu…

Lần điều chỉnh gần đây nhất, ngày 17/7 là một minh chứng rõ nhất cho sự chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước - người dân và DN. Liên Bộ yêu cầu DN cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức (hưởng 100 đồng/lít xăng dầu thay bằng mức 300 đồng) và tăng mức trích Quỹ để hãm đà tăng của giá xăng. Sau khi can thiệp các giải pháp trên, giá xăng tăng 460 đồng/lít.

Như vậy, có thể thấy khác với những lần điều chỉnh vào năm 2012 và lần điều chỉnh ngày 28/3 khi kiềm giá khá lâu để lúc tăng thường tăng cao (đến 1.400 đồng/lít xăng) gây ảnh hưởng ngay lập tức đến thị trường và CPI, thì những lần điều chỉnh gần đây chỉ tăng từ 300-400 đồng/lít xăng dầu nên không gây sốc cho thị trường. Đây cũng là hướng đi được Liên Bộ Tài chính- Công Thương lựa chọn.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng giá xăng dầu trong vòng hơn 1 tháng (từ 14/6 đến 17/7) đã tăng 3 lần, tổng cộng 1.240 đồng/lít xăng. Bộ Tài chính đã tính toán các thông số giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo quy định hiện hành, bình quân trong 30 ngày gần nhất thời điểm tăng giá.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện hoàn toàn nghiêm túc, hợp lý và bám sát với giá thế giới. Lộ trình tăng giá hoàn toàn phù hợp với Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo Nghị định 84, DN được phép tăng giá tối thiểu 10 ngày một lần và chu kỳ tính giá là bình quân 30 ngày. Như vậy, trong điều kiện giá thế giới liên tục tăng cao thì giá xăng có thể được điều chỉnh tăng giá 3 lần trong một tháng. Đối với điều chỉnh giá giảm, DN có thể được phép giảm bất kỳ lúc nào, nhưng nếu tối thiểu trong 10 ngày DN không giảm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu phải giảm giá.

Tại hội nghị sơ kết ngành Tài chính mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, kiên định thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt đối với các mặt hàng như xăng dầu, điện, than.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giá xăng dầu dứt khoát phải theo thị trường, không để giá xăng dầu trở lại bao cấp, gắn liền với công khai, minh bạch...

Đối với các mặt hàng nhạy cảm trên, 6 tháng đầu năm đã đẩy được một bước sát với giá thị trường nhưng vẫn giữ được sự ổn định là một trong những thành công của Bộ Tài chính.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính kiên định mục tiêu điều hành giá xăng dầu theo lộ trình. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá nhận định, những tháng cuối năm, việc điều hành giá sẽ được cân nhắc hết sức thận trọng, bởi vừa phải điều hành để tiến sát với giá thị trường nhưng cũng cần hết sức linh hoạt, bởi áp lực tăng giá dồn vào cuối năm sẽ ảnh hưởng tới các mục tiêu đề ra.