Điều hành giá xăng trong nước phù hợp với thế giới, tạo mức giá phù hợp để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Những ngày qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng cao đã gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý đã điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá thế giới, hạn chế sự chênh lệch giá so với các nước trong khu vực dẫn đến khả năng xuất lậu xăng dầu qua biên giới, đồng thời, tạo mức giá phù hợp để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá thế giới
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục có xu hướng tăng. Một số nguyên nhân khiến giá xăng dầu thế giới tăng có thể kể đến như: Nhu cầu vận tải và tiêu dùng tăng trở lại khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng việc kiểm soát đi lại sau thời gian dài kiểm soát chặt để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh COVID-19; một số quốc gia triển khai các gói kích thích kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng; dự trữ dầu thô của Mỹ ở mức thấp làm giảm nguồn cung; các quốc gia OPEC+ không đạt được thỏa thuận nới lỏng nguồn cung dầu thô cho thị trường; đàm phán giữa Mỹ và Iran còn nhiều trở ngại...
Những yếu tố trên đã đẩy giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu tiếp tục tăng; cùng với đó, việc tăng cung tiền ra lưu thông (qua các gói kích thích kinh tế) cũng gây áp lực lạm phát và làm tăng giá nhiều loại hàng hóa nói chung trong đó có xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, giá một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) tháng 10/2021 (thời điểm ngày 21/10/2021) so với đầu năm 2021 (thời điểm ngày 04/01/2021) biến động tăng từ 54,9% đến 79,5%. Cụ thể: xăng RON92 đạt 99,37 USD/thùng, tăng 75,68%; xăng RON95 đạt 103,01 USD/thùng, tăng 79,52%; dầu hỏa đạt 94,83 USD/thùng, tăng 67,33%; dầu diesel đạt 95,62 USD/thùng, tăng 67,13%; dầu mazut đạt 484,36 USD/tấn, tăng 54,94%.
Trong nước, giá xăng dầu trong nước được điều hành theo giá thế giới, đồng thời kết hợp với việc sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nên đã hạn chế được mức tăng giá cao tại một số thời điểm, qua đó góp phần cho ổn định mặt bằng giá cả chung, hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, tại một số kỳ điều hành gần đây, trước diễn biến giá thế giới tăng mạnh đã tác động áp lực tăng giá trong nước, gây khó khăn cho công tác điều hành giá, nhất là công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều khi ước số dư Quỹ chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 11/10/2021, Bộ Công Thương đã ban hành 19 văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước. Giá xăng dầu các loại hiện tăng từ 4.825–5.949 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 35,13% - 43,81% so với kỳ điều hành ngày đầu năm 2021, thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở từ 55,6% đến 58,2%. Trong kỳ điều hành gần nhất ngày 26/10/2021, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán xăng E5RON92 tăng 1.427 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.459 đồng/lít.
Giá xăng dầu được điều hành theo hướng bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Đồng thời, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý để hạn chế mức tăng giá các sản phẩm xăng dầu trong nước so với mức tăng cao của giá thế giới, tạo dư địa điều hành giá xăng dầu cho những kỳ tiếp theo trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục có xu hướng tăng; góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2021 Quốc hội giao.
Hạn chế tác động đột biến tới giá xăng dầu trong nước
Theo Bộ Tài chính, diễn biến khủng hoảng năng lượng toàn cầu chưa tạo áp lực lớn cho các tháng cuối năm 2021 nhưng sẽ tạo áp lực rõ ràng lên kinh tế Việt Nam trong các năm 2022 khi giá nguyên, nhiên vật liệu ở mức cao chịu ảnh hưởng từ giá thế giới; nhu cầu tiêu dùng theo quy luật tăng trong dịp Tết Nguyên đán cũng như tổng cầu nền kinh tế sẽ có những hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát.
Giá xăng dầu trên thế giới dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao và không loại trừ khả năng tiếp tục tăng khi nhu cầu của các nước vẫn ở mức cao trong quá trình tái hồi phục kinh tế. Một số dự báo của các tổ chức trên thế giới như: Goldman Sash, OPEC cũng dự báo giá dầu thô sẽ đạt mức 90 USD/thùng trong quý IV/2020 và mức 100 USD/thùng ngay trong đầu quý I/2022.
Theo đó, dự báo giá bình quân các mặt hàng xăng dầu thành phẩm (Ron92, Ron95) sẽ ở mức 105–110 USD/thùng trong quý IV/2021 và ở mức 115–120 USD/thùng trong quý I/2022; kéo theo mức giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước dự báo sẽ tăng từ 5–7% so với hiện nay trong quý IV và 10–15% trong quý I/2022. Kéo theo đó mức giá LPG cũng dự đoán tiếp tục tăng theo giá dầu cũng như nhu cầu tiêu thụ tăng vào mùa lạnh tại các nước châu Âu.
Trong bối cảnh đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của nhà nước; đảm bảo giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá để hạn chế tác động đột biến tới giá xăng dầu trong nước trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Về nguồn cung mặt hàng xăng dầu, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 (lần thứ 4), nhiều địa phương trên cả nước đang dần quay trở lại trạng thái bình thường mới khiến tình hình tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa đang có dấu hiệu phục hồi và tăng mạnh.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa cho những tháng cuối năm 2021, Bộ Công Thương cần tăng cường chỉ đạo các nhà máy lọc dầu tăng công suất, cung cấp đủ lượng hàng theo Hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp, có phương án về nguồn hàng để bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa trong thời gian sắp tới; chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp.