Giá dầu thế giới nhảy múa, giá xăng dầu trong nước khó đứng yên

Thủy Nguyễn

Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu tăng mạnh, đã vượt quá vùng giá hỗ trợ, trong khi nguồn cung bị thắt chặt. Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng không ngừng nghỉ, dự báo có thể lên tới 90 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước cũng không nằm ngoài quỹ đạo tăng.

Trong vòng 1 năm tới, các chỉ báo về giá dầu cao vẫn tiếp tục biến động và sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong vòng 1 năm tới, các chỉ báo về giá dầu cao vẫn tiếp tục biến động và sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo hãng tin Reuters, nhu cầu tiêu thụ xăng và các sản phẩm liên quan xăng dầu đã trở lại tại nhiều quốc gia sau hơn 1 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là Mỹ, nơi tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới.

Hơn nữa, giá dầu neo cao cũng được củng cố bởi những lo lắng về tình trạng thiếu hụt than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu. Điều này đã thúc đẩy nhiên liệu chuyển sang sử dụng dầu diesel và dầu nhiên liệu để sản xuất điện.

Nguồn cung toàn cầu thắt chặt và nhu cầu mạnh mẽ đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong nhiều năm, với giá dầu thô WTI của Hoa Kỳ giao dịch ở mức 84,38 USD/thùng và dầu Brent giao sau ở mức 86,26 USD trong phiên giao dịch ngày 25/10.

Trong khi đó, Goldman Sachs - một Ngân hàng đầu tư của Mỹ dự báo, nhu cầu sử dụng dầu của thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh, sẽ sớm đạt mức 99,9 triệu thùng/ngày khi châu Á phục hồi, trở lại trạng thái bình thường vào cuối năm nay.

Vào năm 2022, nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ vượt qua 100 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng đều đặn ở cả OECD và ngoài OECD. Khi đó, giá dầu thô Brent có thể bị đẩy lên tới 90 USD/thùng.

Thậm chí, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ từng dự báo giá dầu thô Brent có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm 2022.

Theo Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ là 521 giàn vào tháng 9/2021, tăng gấp đôi so với mức đáy vào tháng 8/2020 (244 giàn) nhưng vẫn chỉ bằng 55% mức trung bình năm 2019 (khoảng 943 giàn). Do đó, sản lượng dầu của Mỹ chưa tăng kịp để đáp ứng với sự phục hồi nhu cầu dầu thô toàn cầu.

Mặc dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, Nga và các đồng minh (khối OPEC+) đã đồng ý thỏa thuận tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày cho đến tháng 4/2021, tuy nhiên sẽ gặp không ít khó khăn sau nhiều năm đầu tư thấp và trì hoãn công việc bảo trì trong thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Như vậy, trong vòng 1 năm tới, các chỉ báo về giá dầu cao vẫn tiếp tục biến động và sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trước sức ép từ giá dầu thế giới lên giá xăng dầu trong nước, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá (BOG). Thực tế, tại kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ BOG đối với xăng RON95 giá các mặt hàng xăng sẽ tăng ít nhất từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.

Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người lao động và nhiều doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định tăng chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92, chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng RON95, giữ nguyên mức chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, không chi Quỹ BOG đối với dầu mazut và điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Riêng đối với mặt hàng dầu hoả và dầu diesel, mức chi Quỹ BOG sẽ được giữ nguyên. Còn dầu Mazut sẽ không chi quỹ BOG. Các mặt hàng dầu này sẽ được điều chỉnh theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng sẽ thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.