Điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế
Nhìn lại năm 2023, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để lại nhiều khó khăn, thách thức cùng những bất ổn của kinh tế thế giới tác động không thuận đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, ngành Tài chính đã chủ động nỗ lực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách. Bước sang năm 2024, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, có nhiều thách thức lớn đặt ra đối với nền kinh tế, đòi hỏi ngành Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế hiệu quả, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN).
Điều hành ngân sách năm 2023 góp phần đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước và cân đối vĩ mô
Nhiệm vụ điều hành NSNN năm 2023 được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vừa nỗ lực khắc phục những hậu quả của đơn vị dịch Covid-19, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, rủi ro, nguy cơ bất ổn gia tăng. Các điểm nóng địa chính trị tiếp tục tác động gây hệ lụy đa chiều đối với nền kinh tế toàn cầu, xung đột Nga – Ukraine, Israel – Hamas phức tạp hơn, khả năng còn kéo dài. Xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.
Lạm phát có xu hướng giảm, nhưng còn ở mức cao. Áp lực gia tăng nợ công, bất ổn trên các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường hàng hóa chiến lược (năng lượng, lương thực, chất bán dẫn...), thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường... gây khó khăn cho điều hành và nỗ lực kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế của các nước. Hầu hết các nền kinh tế lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản...) tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối mặt với khó khăn và các thách thức cơ cấu dài hạn. Nhu cầu hàng hóa nhập khẩu ở nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam giảm mạnh.
Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu đề ra; bội chi NSNN và nợ công giảm. Hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi để thu hút vốn đầu tư, mở rộng các quan hệ kinh tế, thương mại, củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp (DN) còn khó khăn, thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm. Áp lực gia tăng tỷ giá, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản chưa phục hồi, tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến (GDP quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%, quý IV tăng 6,72%; cả năm ước đạt 5,05%). Hoạt động xuất nhập khẩu giảm sút, nhất là xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, EU.
Trong bối cảnh trên, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai để hoàn thành nhiệm vụ điều hành NSNN được giao, góp phần hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân. Cụ thể:
Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch COVID-19, sức chống chịu của DN đến hạn, với tinh thần luôn đồng hành, chia sẻ cùng DN, người dân, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội ban hành đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khơi thông dòng tiền cho DN, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Ước tính các gói hỗ trợ về chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới 200 nghìn tỷ đồng (gia hạn 121 nghìn tỷ đồng, miễn giảm 79 nghìn tỷ đồng); kết quả thực hiện ước đạt 193,4 nghìn tỷ đồng (gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; miễn giảm 78,4 nghìn tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN ngay từ đầu năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử. Tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho DN, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng; xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu... với quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2023, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và sẽ áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024; cho thấy sự chủ động của Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn của quốc tế, khẳng định quyền thu thuế đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định quốc tế và pháp luật trong nước.
Tính đến tháng 12/2023 thu NSNN ước đạt 1.717,8 nghìn tỷ đồng, vượt 6% so với dự toán, kể cả số thuế miễn giảm thì thu ngân sách năm nay vượt khoảng 9-10% so với dự toán Quốc hội giao. Đáng chú ý, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt thu so với dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch COVID-19, sức chống chịu của DN suy giảm, kết hợp với việc tiếp tục thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân, kết quả thu NSNN năm 2023 là rất tích cực.
Chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, chặt chẽ, đáp ứng các nhiệm vụ kinh tế - chính trị quan trọng, cấp bách, đảm bảo an sinh xã hội
Trong quá trình điều hành dự toán chi NSNN, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, chủ động rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài… dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Bên cạnh đó, đã chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn NSNN được phân bổ; chủ động sắp xếp, xử lý triển khai các nhiệm vụ được giao phát sinh trong năm dự toán. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, từng đơn vị để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại NSNN. Xây dựng phương án tăng cường mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của các thành phần trong xã hội vào việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời giảm áp lực lên NSNN.
Trong công tác đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công đã tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh việc xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng hạn chế tối đa tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản công.
Trong quá trình điều hành, nhằm mục tiêu kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế, dẫn dắt, thu hút thêm các nguồn đầu tư ngoài Nhà nước, trong năm 2023, NSNN đã bố trí dự toán chi đầu tư phát triển khoảng 700 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), gấp khoảng 1,5 lần mức đã bố trí trong năm 2022. Ngoài ra, còn dành thêm gần 64 nghìn tỷ đồng tăng thu, tiết kiệm chi NSTW trong năm 2022 để tăng chi cho đầu tư phát triển. Điều này đã và đang tạo thêm động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và trong thời gian tới, đưa vốn “mồi” thu hút thêm đầu tư tư nhân để kích cầu trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong tổ chức thực hiện, đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán và khả năng thu ngân sách các cấp.
Chi NSNN cơ bản đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và thanh toán chi trả nợ đến hạn, chi trả lương kịp thời và trợ cấp cho các đối tượng thụ hưởng NSNN, thực hiện an sinh xã hội. Nhờ chính sách tài khóa nới lỏng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi, hỗ trợ nền kinh tế, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, trong khi vẫn đảm bảo an sinh xã hội.
Đến hết tháng 12/2023, chi NSNN ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, một số nhiệm vụ chi được tiếp tục thanh toán đến hết ngày 31/01/2024 (thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm 2023) hoặc sẽ tiếp tục được chuyển nguồn sang năm 2024 thực hiện theo quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, ngay khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục, các chỉ tiêu về cân đối NSNN bớt khó khăn hơn, Bộ Tài chính đã chủ động đánh giá phương án cân đối nguồn lực, phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc tăng lương cơ sở cho khu vực công lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, thực hiện từ ngày 01/7/2023. Nhu cầu kinh phí tăng thêm dự kiến khoảng 44 - 45 nghìn tỷ đồng, được đảm bảo từ các nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của NSTW, NSĐP từ trước đến nay và một phần bố trí trong dự toán chi NSNN năm 2023. Khi đề xuất chính sách, các cơ quan chức năng đã đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố tác động, đặc biệt là vấn đề về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng; theo đó nhận định “số lượng cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng lực lượng lao động của đất nước, nhu cầu kinh phí tăng thêm nêu trên cũng không nhiều so với tổng chi tiêu toàn xã hội nên việc điều chỉnh cơ bản không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô”.
Mức điều chỉnh trên là bước tiến lớn, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đã 03 năm (2020-2022) không tăng lương, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với vấn đề tiền lương khu vực công trong điều kiện khó khăn và phải cân đối cho nhiều nhiệm vụ cấp bách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội, các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Cân đối ngân sách được đảm bảo
Với kết quả thu, chi NSNN trên, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2023, bội chi NSNN thực hiện khoảng 4% GDP, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so dự toán.
Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Việc thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ cho cân đối NSNN năm 2023 được điều hành, quản lý trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Chủ động phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước, đảm bảo nguồn cân đối ngân sách trung ương, thanh toán kịp thời các khoản trả nợ gốc đến hạn. Lũy kế đến ngày 25/12/2023, đã thực hiện phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương, góp phần ổn định, minh bạch và phát triển thị trường tài chính.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2024
Dự báo năm 2024, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp sau:
Một là, thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ. Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới….
Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia… phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn.
Đổi mới quản lý chi thường xuyên, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ, khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của các bộ, ngành, địa phương. Bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Bốn là, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Năm là, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ; tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu DN, bảo hiểm. Tiếp tục hoàn thiện pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và các dịch vụ tài chính khác để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu DN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập cùng với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ.