Điều hành tỷ giá - một năm "vượt sóng"...
Tỷ giá hối đoái là vấn đề luôn được các Chính phủ, tổ chức kinh tế và các cá nhân trong nền kinh tế quan tâm, nhất là đối với những nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam. Sự biến động mạnh của tỷ giá có tác động tiêu cực tới biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, nợ công…
Ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối là một trong những mục tiêu quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn hướng tới, giúp ổn định thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bài viết đánh giá diễn biến và những biện pháp điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2018, đề xuất một số khuyến nghị chính sách trong năm 2019.
Diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối năm 2018
Diễn biến tỷ giá VND/USD năm 2018 có thể được chia thành 3 giai đoạn cụ thể sau:
Giai đoạn 1 (Tháng 01/2018 - 05/2018): Tiếp nối thành công trong năm 2017, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì trạng thái ổn định cho đến thời điểm cuối tháng 5/2018.
Giai đoạn 2 (Tháng 6/2018 – 8/2018): Tỷ giá VND/USD liên tục nằm trong xu hướng tăng mạnh trên cả thị trường chính thức và thị trường tự do. Đặc biệt, ngày 29/7/2018, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do vượt trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đạt đỉnh tới 23.650 VND/1 USD vào ngày 17/8/2018 (Hình 1) – Mốc cao nhất từ trước đến nay.
Giai đoạn 3 (Tháng 9/2018-12/12/2018): Tỷ giá VND/USD ổn định xoay quanh mức cân bằng mới khoảng 23.400 VND/1USD.
Tính đến ngày 31/12, tỷ giá trung tâm được duy trì ở mức cao kỷ lục 22.825 đồng. Như vậy, so với phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018 (2/1/2018), tỷ giá trung tâm đã tăng tới 410 đồng. Khi tỷ giá trung tâm tăng kỷ lục giá USD tại các ngân hàng cũng tăng mạnh khoảng 480-500 đồng/USD. Đây có thể coi là diễn biến đáng quan tâm trên thị trường tài chính nói chung và thị trường ngoại hối Việt Nam nói riêng. Diễn biến này bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính, trong đó có cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, từ trong nước cũng như trên thị trường quốc tế, cụ thể:
Về cán cân thương mại của Việt Nam: 2018 là một năm thành công của Việt Nam đối với hoạt động xuất nhập khẩu, khi tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Kết quả này góp phần giúp cán cân thương mại tích lũy thặng dư khoảng 7,2 tỷ USD trong năm 2018, từ đó tạo lượng cung ngoại hối lớn cho thị trường (Hình 2). Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ có thể thấy, cán cân thương mại Việt Nam đã rơi vào tình trạng nhập siêu trong các tháng 5, 7, 8/2018 – khá tương ứng với các tháng có biến động mạnh về tỷ giá trên thị trường ngoại hối tự do. Điều này hàm ý, mặc dù cán cân tích lũy thặng dư nhưng áp lực tỷ giá vẫn có thể xảy ra khi có thông tin các tháng riêng lẻ bị thâm hụt. Đồng thời, phản ánh thị trường ngoại hối Việt Nam khá nhạy cảm với các thông tin thị trường, do các yếu tố tâm lý và một phần do bất cân xứng cung cầu ngoại tệ tạm thời.
Về đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài: Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến ngày 20/12/2018 Việt Nam đã thu hút 3.046 dự án đầu tư trực tiếp cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 17.976,2 triệu USD, tăng 17,6% về số dự án và giảm 15,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, năm 2018 có 1.169 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 7.596,7 triệu USD. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2018 đạt 25.572,9 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Đây là nguồn cung ngoại tệ đáng kể hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại hối Việt Nam.
Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp, có thể thấy, chưa bao giờ động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra liên tục trong năm 2018. Cụ thể, FED đã tăng lãi suất tới 4 lần, nâng lãi suất cơ bản cho vay qua đêm của USD từ 2,25% lên 2,5%, gây ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Thêm vào đó, lo ngại là hoàn toàn có cơ sở khi 6 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang ồ ạt rút vốn tại hàng loạt thị trường tài chính mới nổi châu Á như Thái Lan (5,6 tỷ USD), Indonesia (3,7 tỷ USD), Phillipinnes (1,6 tỷ USD). Từ cuối tháng 4/2018 đến cuối tháng 7/2018, hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên TTCK Việt Nam đã ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ giá VND/USD, mặc dù chưa có dấu hiệu rõ ràng về dòng vốn rút về nước.
Nói cách khác, các nhà đầu tư quốc tế có thể bán ròng trên TTCK nhưng tiền vẫn ở lại trong thị trường, các hoạt động bán ra chủ yếu phục vụ nhu cầu cơ cấu lại danh mục đầu tư. Mặc dù có nhiều yếu tố bất lợi và lo ngại nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vẫn duy trì mức dương tại Việt Nam trong năm 2018 với khoảng 7,6 tỷ USD, đã góp phần tăng nguồn cung hỗ trợ cho thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, một số diễn biến khác trên thị trường tài chính tiền tệ đã dẫn đến những thay đổi trong hành vi cũng như tâm lý kinh doanh của các chủ thể trên thị trường, tạo ra những áp lực đối với tỷ giá như: Lạm phát, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng…
Về lạm phát: Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017. Như vậy, về cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra về kiềm chế lạm phát, tuy nhiên, trong năm 2018, tại một số thời điểm, lạm phát đã tăng cao hơn so với kỳ vọng, đã tạo áp lực tới tỷ giá trên thị trường. Cụ thể, lạm phát tháng 6/2018 tăng 0,61% mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây – khá trùng khớp với thời điểm có những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối. Diễn biến này có thể được lý giải theo thuyết ngang giá sức mua cũng như tâm lý của các thành viên trên thị trường khi lạm phát tăng, làm giảm lòng tin của công chúng đối với giá trị nội tệ.
Về lãi suất liên ngân hàng: Một yếu tố khác ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá, đó là lãi suất liên ngân hàng được duy trì khá thấp trên thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu có xu hướng giảm mạnh trên tất cả các kỳ hạn và duy trì dao động trong khoảng từ 1 - 2% từ tháng 2 cho đến trung tuần tháng 7/2018 (Hình 3). Diễn biến này khiến cho các tài sản ghi bằng nội tệ không còn đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, chính vì vậy, các nhà đầu tư có tổ chức (chủ yếu là các NHTM) có xu hướng nắm giữ ngoại tệ thay vì nội tệ, đẩy tỷ giá tăng.
Thêm vào đó, sự căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng được coi là yếu tố tác động gián tiếp đến biến động tỷ giá trong năm 2018. Chiến tranh thương mại leo thang, mà hệ quả là sự mất giá của NDT đã tác động sâu sắc tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Cần lưu ý rằng, hai quốc gia này đều là những đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam (trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu với mức đóng góp 20% vào tổng kim ngạch xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với mức đóng góp 25% vào tổng kim ngạch nhập khẩu).
Trước những căng thẳng trong quan hệ thương mại với Mỹ, tăng trưởng GDP quý II/2018 của Trung Quốc đã chững lại, TTCK Trung Quốc cũng như toàn cầu suy giảm mạnh, nhà đầu tư bán tháo NDT, hệ quả là làm cho NDT giảm giá mạnh nhất so với USD. Để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế, một loạt các quốc gia châu Á khác đứng trước áp lực phá giá đồng tiền của mình.
Sự rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại các nền kinh tế mới nổi châu Á cộng với sự trỗi dậy của tư tưởng bảo hộ thương mại đã khiến hàng loạt đồng tiền ở khu vực châu Á giảm mạnh so với USD (Hình 4). Những đồng tiền mất giá nhiều nhất phải kể đến là đồng Rupee của Ấn độ (10,15%), Rupiad của Indonesia (8,46 %), Peso của Phillipinnes (7,19%) và Won của Hàn Quốc (6,8%) so với thời điểm đầu năm 2018. Như vậy, so với tương quan các đồng tiền ngoại tệ khác thì VND mất giá hơn 1%. Đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay, bởi lẽ nếu VND không mất giá thì vô hình chung VND sẽ lên giá so với các đồng tiền của các quốc gia trong khu vực, cũng như các nước bạn hàng, có thể gây ảnh hưởng không tốt tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Có thể nhận định rằng, về tổng thể các yếu tố căn bản nền tảng liên quan đến cung cầu trên thị trường ngoại hối trong năm 2018 là khá tốt, hỗ trợ tích cực cho sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, xét tại một số thời điểm thì sự cộng hưởng trong biến động không như kỳ vọng của một số biến tố kinh tế vĩ mô đã tác động đến tâm lý, hành vi của các chủ thể trên thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng. Ví dụ các nhà đầu tư nhận được liên tiếp các thông tin “xấu” như lạm phát cao, cán cân thương mại thâm hụt, lãi suất liên ngân hàng thấp và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm tăng tâm lý muốn nắm giữ tài sản bằng ngoại tệ, gây tác động tới tỷ giá.
Hoạt động điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Có thể thấy rằng, đây là một năm tương đối khó khăn với NHNN Việt Nam khi các yếu tố gây biến động tỷ giá lại không hoàn toàn xuất phát từ cung cầu trên thị trường ngoại hối Việt Nam mà chủ yếu là do các yếu tố từ nước ngoài như điều hành lãi suất của FED, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy vậy, vượt qua những thách thức khó khăn, NHNN Việt Nam đã thực thi khá linh hoạt một số biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá trên thị trường, cụ thể như sau:
Thứ nhất, NHNN tiếp tục phát đi thông điệp về điều hành chính sách tiền tệ thận trọng linh hoạt nhằm ổn định lạm phát, kinh tế vĩ mô. Biện pháp này góp phần làm gia tăng niềm tin của công chúng vào hoạt động điều hành của NHNN và giá trị nội tệ, qua đó góp phần ổn định thị trường tài chính nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng.
Thứ hai, NHNN đã can thiệp trực tiếp thông qua việc bán ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối nhằm cân xứng kịp thời lượng cung cầu trên thị trường ngoại hối, qua đó giảm áp lực tới tỷ giá hối đoái. Theo tính toán, dự trữ ngoại hối tại thời điểm quý III/2018 là khoảng 60 tỷ USD. Như vậy, trong giai đoạn tỷ giá căng thẳng trên thị trường ngoại hối, NHNN đã cung một lượng ngoại tệ tương ứng khoảng 3 - 4 tỷ USD ra thị trường ngoại hối nhằm bình ổn thị trường.
Thứ ba, NHNN Việt Nam đã có động thái điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, NHTM đẩy mặt bằng lãi suất VND tại các kỳ hạn tăng lên quanh mốc 4% nhằm duy trì mức hấp dẫn đối với các tài sản ghi bằng nội tệ so với tài sản bằng ngoại tệ, qua đó giảm tâm lý đầu cơ nắm giữ tài sản bằng ngoại tệ (Hình 3).
Có thể thấy, điểm khá đặc biệt trong cách thức điều hành tỷ giá của NHNN so với trước, đó là NHNN đã sử dụng các công cụ mang tính thị trường hơn là các công cụ mang tính áp đặt hành chính. Điều này thể hiện sự quyết tâm theo đuổi cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt và định hướng thị trường của NHNN Việt Nam. Công cụ lãi suất đang phát huy hiệu lực trong điều hành tỷ giá của NHNN Việt Nam. Sự điều chỉnh có định hướng khá linh hoạt của NHNN đối với công cụ lãi suất cũng đã góp phần điều chỉnh hành vi, tâm lý của các thành viên trên thị trường, qua đó ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Khuyến nghị điều hành tỷ giá năm 2019
Sự rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại các nền kinh tế mới nổi châu Á cộng với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến hàng loạt tiền tệ châu Á giảm mạnh so với USD. Những tiền tệ mất giá nhiều nhất là Rupee của Ấn Độ (10,15%), Rupiad của Indonesia (8,46 %), Peso của Phillipines (7,19%) và Won của Hàn Quốc (6,8%) so với thời điểm đầu năm 2018. So với tương quan các tiền tệ khác, đồng Việt Nam chỉ mất giá chính thức hơn 1%.
Từ diễn biến thực tế trên thị trường hiện nay, bài viết đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm giúp NHNN ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối như sau:
Thứ nhất, tiếp tục kiên định mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất và tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến kiềm chế lạm phát. NHNN cũng cần điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng có thận trọng.
Thứ hai, tiếp tục kiên định với các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời, cần chú ý đặc biệt tới tình trạng đô la hóa tiền mặt trong nền kinh tế, vì từ đó có thể giảm quy mô của mục sai số thống kê trong cán cân thanh toán quốc tế.
Thứ ba, triển khai triệt để chủ trương chuyển toàn bộ từ quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Trên thực tế, việc ban hành Thông tư số 24/2015/TT-NHNN chủ trương cho vay ngoại tệ đối với các DN có nguồn thu ngoại tệ là một lựa chọn phù hợp trong bối cảnh đó, nhằm đạt được các mục đích như: góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời giúp các DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn so với vay VND, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này phần nào đã tạo áp lực tới thị trường ngoại hối khi các khoản vay bằng ngoại tệ đến hạn phải trả.
Về nguyên lý, NHNN chỉ cho các DN có nguồn thu ngoại tệ vay nhưng sự cân xứng các dòng tiền ngoại tệ vào ra tại một số thời điểm nhất định (cuối năm) cũng có thể khiến cho thị trường căng thẳng. Chính vì vậy, NHNN cần bám sát diễn biến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ để có những can thiệp kịp thời tới nền kinh tế.
Thứ tư, NHNN cần phát đi những thông điệp mạnh mẽ hơn nữa, nhất quán trang điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Đồng thời, cần tăng cường áp dụng các mô hình kinh tế lượng để có thể dự báo sớm hơn những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối và có những biện pháp ứng phó kịp thời...
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Thị Hoàng Anh và cộng sự (2018), Báo cáo chuyên đề “Diễn biến tỷ giá 8 tháng đầu năm và dự báo cuối năm 2018”, Học viện Ngân hàng;
2. Phạm Thị Hoàng Anh (2018), “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động tới nền kinh tế Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, số chuyên đề (tháng 12);
3. Các website: www.sbv.gov.vn, www.gso.gov.vn, www.imf.org, www.bloomgberg.com, www.ssi.com.vn, www.vietcombank.com.vn, www.vangsaigon.com, www.tygiadola.com.