Điều hành tỷ giá ổn định nhưng không cố định
Trong khi nhiều đồng tiền của các quốc gia mới nổi giảm mạnh, đặc biệt là khu vực ASEAN do đồng USD tăng giá 5%, tiền VND vẫn ổn định nhất, chỉ mất giá 0,6% kể từ giữa tháng 4 và 1% kể từ đầu năm.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết diễn biến của thị trường ngoại tệ trên thế giới hiện có nhiều biến động, tuy nhiên, NHNN hoàn toàn chủ động trong việc định hướng và điều hành thị trường. Với những tiềm lực rất mạnh hiện nay, có thể tin rằng Việt Nam có đủ công cụ, kinh nghiệm để kiểm soát tốt thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, ổn định nhưng không cố định.
Thị trường Việt Nam kiên cường hơn
Sau một thời gian dài luôn giữ mức ổn định, tỷ giá USD gần đây biến động không ngừng, các ngân hàng liên tục điều chỉnh giá mua vào – bán ra ngoại tệ. Tỷ giá trung tâm cũng dao động, có thời điểm đạt 22.602 đồng/USD.
Tuy nhiên, mức tăng này là phù hợp, nằm trong ngưỡng dự báo của các chuyên gia nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered hồi đầu năm: "Tỷ giá VND/USD chỉ ở mức 22.650 đồng vào quý II và 22.600 đồng/USD vào cuối năm nay".
Theo công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đợt nhảy vọt này bắt nguồn từ hiện tượng từ bỏ rủi ro (risk-off). Vấn đề chính trị tại Italia đã tạo nên một vài sự rối loạn trên thị trường toàn cầu trong tháng 5 vừa qua. Thị trường biến động mạnh hơn khi nhà đầu tư chủ động mua vào các tài sản trú ẩn an toàn và bán ra tài sản rủi ro đang nắm giữ.
VDSC ghi nhận thị trường tiền tệ thế giới xuất hiện diễn biến trái chiều rất đáng quan ngại giữa đồng USD và đồng Euro. Trong suốt 6 tuần qua, tỷ giá EUR đã giảm gần 6% trong khi chỉ số USD tăng trên 5%.
Hiện tượng từ bỏ rủi ro đã tạo sức ép lớn lên đồng tiền của các quốc gia mới nổi, đáng chú ý là khu vực ASEAN.
Trong 6 tuần qua, mức phá giá của đồng tiền các nước mới nổi như Đài Loan (Trung Quốc) là 2,2%, Indonesia là 1,7%, Malaysia là 2,4%, Philippines là 1,1%, Singapore là 2,6%, Thái Lan là 2,8% và Việt Nam là 0,6%.
Thậm chí, trong một tuần, Ngân hàng trung ương Indonesia phải 2 lần liên tiếp tăng lãi suất để hỗ trợ tỷ giá, đồng thời tăng lãi suất để củng cố đồng nội tệ.
Như vậy, có thể thấy, VND vẫn là đồng tiền ổn định nhất so với các quốc gia trong khu vực khi đồng VND chỉ mất giá 0,6% kể từ giữa tháng 4 và 1% kể từ đầu năm.
Để đạt được sự ổn định này, VDSC cho rằng nhờ vào việc NHNN đã và đang điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, đối lập hoàn toàn so với quá khứ khi những biến động mạnh trên thị trường tự do gây sức ép khiến NHNN phá giá tiền đồng.
VND có dễ tổn thương?
Theo nhận định của giới nghiên cứu, thời gian tới, tiền đồng vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro từ bên ngoài như trong phiên họp vào ngày 12-13/6 tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất, tình hình chính trị ở nhiều quốc gia căng thẳng, hay khả năng chiến tranh thương mại tiềm tàng… sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Dưới góc độ phân tích của VDSC, việc tiền đồng giảm giá vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN.
Hiện, tỷ giá trung tâm VND/USD đã tăng 3,2% kể từ giữa năm 2016 trong khi tỷ giá giao dịch trên thị trường chỉ tăng 2,3%. Khoảng chênh lệch 0,9% có thể sẽ được lấp đầy trong năm 2018. Điều này có nghĩa tỷ giá giao dịch có thể sẽ tăng 1,5%-2% năm 2018.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro khiến tiền đồng mất giá mạnh hơn dự báo, đó là chỉ số tổn thương của Việt Nam, tính bằng tỷ lệ giữa tổng khoản nợ nước ngoài ngắn hạn, khoản nợ nước ngoài dài hạn đến hạn và tiền gửi của người nước ngoài với kỳ hạn trên một năm so với tổng dự trữ ngoại hối quốc gia, đạt 50,9%. Do đó, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt sẽ khiến chi phí trả nợ nước ngoài của quốc gia trở nên đắt đỏ hơn.
Đáng chú ý, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt 63 tỷ USD, tức chỉ đảm bảo khoảng 3,5 tháng nhập khẩu – mức thấp nhất trong các quốc gia khu vực. Điều này cảnh báo những sức ép, tác động tiêu cực tới tiền đồng.
Bên cạnh đó, khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể, hiện tại tương đương 27% tổng dự trữ ngoại hối, cũng là vấn đề đáng quan tâm. Vào năm 2009, giá trị khoản mục này lên tới 12,8 tỷ USD và đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ giá bật tăng mạnh trong hai năm sau đó.
Mới đây, nghiên cứu từ Moodys cũng chỉ ra rằng Việt Nam xếp thứ tư trong danh sách các nước châu Á tiềm ẩn rủi ro nợ nước ngoài cao nhất.
Tuy vậy, tại buổi họp báo, Thống đốc NHNN khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm lực rất mạnh, công cụ, kinh nghiệm để kiểm soát tốt thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, ổn định nhưng không cố định.
Thống đốc phân tích, từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại tệ lên hơn gấp đôi, đạt hơn 64 tỷ USD và tiếp tục củng cố dự trữ quốc gia. Chính nhờ tiềm lực dự trữ ngoại tệ tăng trong thời gian gần đây là yếu tố then chốt để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, đồng thời củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như góp phần giảm chi phí tiếp cận sử dụng vốn quốc tế của Việt Nam.
"Tới đây, nhu cầu vốn của Việt Nam sẽ rất lớn, chắc chắn chúng ta phải tiếp cận thị trường vốn quốc tế, kể cả các doanh nghiệp và Chính phủ. Vì vậy, việc dự trữ ngoại tệ tăng cao sẽ giúp nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và tăng xếp hạng tín nhiệm quốc gia thì mức lãi suất khi tiếp cận vốn quốc tế sẽ giảm đi nhiều", Thống đốc khẳng định.