Điều hành tỷ giá: Ổn định và chủ động can thiệp
(Tài chính) Trong năm 2013, các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về điều hành tỷ giá đã góp phần rất quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Định hướng này được đưa ra dựa trên diễn biến cung-cầu và khả năng bình ổn thị trường ngoại tệ cũng như biến động tỷ giá trong năm 2012, khi tỷ giá USD cuối năm 2012 giảm tới 1% so với đầu năm. Trong đó, cơ sở quan trọng để ổn định tỷ giá trong trường hợp cần thiết là chuẩn bị đủ nguồn ngoại tệ, và chỉ điều chỉnh tỷ giá khi các biện pháp cân đối cung-cầu không mang lại hiệu quả.
Những năm trước đây, tỷ giá USD tăng đã gây tác động lên mặt bằng giá cả, đặc biệt là giá dầu, do Việt Nam phải nhập khẩu hầu như toàn bộ xăng dầu chế biến. Đồng thời, gây tác động tâm lý khi nhiều người chuyển sang USD nhằm tránh lạm phát, điều này lại tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá.
Khi giá USD tăng, các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh và các hợp đồng kinh tế, gây tốn kém tiền bạc và nhiều bất lợi khác cho doanh nghiệp. Ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa chắc đã hưởng lợi khi giá USD tăng, do nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Do đó, việc đưa ra thông điệp tỷ giá rõ ràng ngay từ đầu năm đã giúp các tổ chức kinh tế và cá nhân tránh được một trong những rủi ro lớn nhất do bất ổn tỷ giá thường ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị VND, qua đó ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng và tác động tâm lý.
NHNN đã giữ quan điểm điều chỉnh tỷ giá dựa trên kết quả tính toán tỷ giá thực, chủ yếu dựa trên cán cân thanh toán quốc gia và đảm bảo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đưa ra mức lãi suất thích hợp đối với tiền gửi ngoại tệ theo hướng có lợi cho người gửi VND, qua đó đã hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự trữ ngoại hối quốc gia.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới ngày càng giảm sâu, khách hàng gửi vàng tại các NHTM có xu hướng đổi vàng sang tài sản khác, phần nhiều là chuyển sang USD. Phương án này có lợi cho cả khách hàng và các NHTM, nên các NHTM phải chuẩn bị một lượng USD nhất định. Do giá USD ổn định, nên mỗi NHTM đều mong muốn giá vàng giảm thêm, khi đó sẽ giảm chi phí tất toán vàng. Cũng trong thời gian này, lãi suất tiền gửi VND tiếp tục giảm, một số người có xu hướng găm giữ USD hơn là VND và những tài sản khác. Tuy nhiên, tác động của yếu tố này không nhiều do gửi VND vẫn có lợi hơn so với USD, trong khi năng lực tài chính của số đông doanh nghiệp và cá nhân đều thấp do khó khăn kinh tế kéo dài.
Để chấm dứt áp lực lên tỷ giá, ngày 27/6/2013, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% lên mức 21.036 VND/USD, sau 1,5 năm ổn định ở mức 20.828 VND/USD, đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm ổn định tỷ giá như định hướng đề ra từ đầu năm. Sau thời gian đó, nhu cầu USD tại các NHTM bắt đầu hạ nhiệt dần, gây tác động lan tỏa sang thị trường tự do vốn chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường ngoại hối quốc gia. Trong những ngày cuối năm 2013, giá USD tại các NHTM ổn định quanh mức 21.140 VND. Trên thị trường tự do, giá USD phổ biến ở mức 21.180-21.200 VND.
Nhờ chính sách ổn định tỷ giá và chủ động can thiệp trong trường hợp cần thiết, thị trường ngoại tệ năm 2013 giữ được sự ổn định, tỷ giá dao động trong biên độ cho phép, không có đột biến về nhu cầu ngoại tệ trên thị trường. Chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do được thu hẹp, tỷ lệ đô la hóa giảm mạnh. Các thị trường trong nước không còn chịu tác động của giá USD trên thị trường quốc tế, đây là yếu tố quan trọng trong việc duy trì và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư.
Tỷ giá ổn định đã góp phần tích cực trong việc ổn định lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối. Do tỷ giá ổn định, các tổ chức kinh tế và cá nhân có xu hướng đẩy mạnh bán ngoại tệ cho các NHTM để lấy VND, dòng kiều hối chuyển về cũng tăng mạnh. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2013 đạt khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 9 trong danh sách các nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới.
Trong năm 2013, các giải pháp của NHNN về điều hành tỷ giá đã góp phần rất quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Nhập siêu tiếp tục giảm, các nguồn thu ngoại tệ như đầu tư nước ngoài trực tiếp, lượng kiều hối chuyển về diễn biến thuận lợi, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể cuối năm 2013 tiếp tục thặng dư ở mức cao.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khả năng tổng giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 10%. Đáng chú ý, nhập siêu giảm xuống còn khoảng 0,5 tỷ USD, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu.