Điều tiết giá dầu: OPEC cần tiếng nói chung
Giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục biến động mạnh, đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nước có nguồn thu chính dựa vào “vàng đen”. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là một phần nguyên nhân của cơn “ác mộng” này, do sự chia rẽ nội bộ ngăn cản các thành viên có tiếng nói chung nhằm quyết định về sản lượng.
“Điểm rơi” mới của giá dầu
Mới đây nhất, dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới đã chứng kiến sự lao dốc mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng gần 7 năm qua. Tại thị trường New York, trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa hôm 7.12, giá dầu thô WTI (West Intermediate Texas) của Mỹ giảm 2,32 USD, tương đương với 5,8%, xuống còn 37,65 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của loại dầu thô này kể từ tháng 2.2009.
Tại thị trường London (Anh), giá dầu thô ngọt nhẹ Brent giảm 2,3 USD, xuống 40,71 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của dầu thô Brent kể từ ngày 24.2.2009. Như vậy, kể từ đầu năm 2015 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm tổng cộng 29% và riêng trong quý IV giảm 17%.
Giá dầu rơi tự do đã được giới phân tích dự báo khi thị trường ngày càng dư thừa nguồn cung. Chuyên gia Ole Hansen, phụ trách chiến lược hàng hóa của ngân hàng đầu tư Saxo Bank cho rằng, về triển vọng ngắn hạn, giá dầu vẫn trên đà lao dốc. Cùng quan điểm với một số nhà phân tích khác, ông Hansen dự báo, trong bối cảnh dư cung và nhu cầu chững lại do kinh tế thế giới tăng trưởng ì ạch, giá dầu Brent có thể giảm xuống dưới ngưỡng 38 USD/thùng trong tuần này. Và thực tế đã chứng minh điều này.
3 yếu tố tác động
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, thị trường dầu mỏ đang bị “vùi dập” bởi cơn bão lớn, khi cả 3 yếu tố tác động cùng xuất hiện đồng thời. Cụ thể, nguồn cung dầu mỏ bị mất ổn định được coi là yếu tố đầu tiên, do sự xâm lấn nhanh chóng của công nghệ năng lượng từ đá phiến. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng do suy giảm tăng trưởng toàn cầu nói chung và sự tụt dốc khá nhanh ở các nền kinh tế đang nổi nói riêng là yếu tố thứ hai. Yếu tố thứ ba và quan trọng nhất là vai trò của nhà khai thác chi phối (bao gồm Ảrập Xêút và một số đối tác trong OPEC) trên thực tế đang dần bị Mỹ thay thế. Điều này đã làm thay đổi cơ chế điều chỉnh giá trên thị trường dầu mỏ: giá cả do cung và cầu quyết định chứ không còn chỉ do các nhà khai thác quyết định nữa.
Kết quả là sự tụt dốc của giá dầu làm giảm mạnh nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của tất cả các nhà khai thác. Tuy nhiên, khả năng cầm cự của các nhà khai thác, bao gồm khả năng quản lý nền kinh tế với nguồn thu thấp hơn, có sự khác nhau đáng kể. Một số nước như Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) có nguồn dự trữ khá lớn, có nhiều tài sản tích lũy khác và có sự linh hoạt trong chính sách thì trụ được trong khi nhiều nước cung cấp dầu khác sẽ bị đánh gục bởi giá dầu thấp. Ví dụ như Venezuela, giá dầu thấp đã dẫn tới bất ổn kinh tế rồi bất ổn chính trị và xã hội.
Mạnh ai nấy làm
Nếu như hai yếu tố chính được coi là khách quan thì yếu tố thứ ba là yếu tố chủ quan và hoàn toàn có thể giải quyết nếu OPEC chung một tiếng nói. Cuộc họp mới nhất của OPEC thất bại vì có sự chia rẽ sâu sắc giữa hai nhóm nước. Nhóm nước do quốc gia sản xuất dầu lớn nhất là Ảrập Xêút đứng đầu cùng với các quốc gia vùng Vịnh như UAE và Qatar, hiện chiếm hơn một nửa tổng sản lượng 32 triệu thùng/ngày của OPEC, không muốn thay đổi chính sách bảo vệ thị phần của mình. Mặt khác, các quốc gia vùng Vịnh còn muốn có một cam kết “cắt giảm sản lượng tập thể” mạnh mẽ từ tất cả các quốc gia khai thác khác, trong đó có Nga - một nhà khai thác ngoài OPEC. Trong khi đó, nhóm nước khác như Nigeria và Venezuela lại muốn cắt giảm để đẩy giá dầu lên, qua đó tăng nguồn thu nhập để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trong bối cảnh không có bất cứ thỏa thuận mới nào, OPEC đã quyết định duy trì sản lượng ở mức khoảng 31,5 triệu thùng/ngày, so với mức mục tiêu 30 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó. Tổng thư ký OPEC Abdullah Al Badri cho biết, OPEC sẽ chờ đến tháng 6.2016 mới có thể quyết định mức hạn ngạch mới liên quan đến sản lượng của các thành viên.
Trên thực tế, các quốc gia thành viên không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận nào của OPEC về mức sản lượng. Kết quả là, tất cả họ đều có vẻ sẽ sản xuất nhiều nhất có thể, vì những lí do riêng. Đối với các nước thành viên OPEC giàu có, việc sản xuất nhiều hơn ngày hôm nay là nhằm bảo đảm có được vị trí cạnh tranh tốt hơn trong tương lai, đánh đổi sự hy sinh hiện tại cho sự giàu có của các thế hệ tương lai. Còn đối với các nước OPEC đang gặp khó khăn, mục tiêu của họ là tạo ra nhiều thu nhập nhiều nhất có thể và càng sớm càng tốt.
Một OPEC chia rẽ sẽ chỉ làm cho thị trường dầu mỏ thế giới thêm bất ổn, với việc giá dầu ở mức thấp và kéo dài hơn so với dự đoán. Khi đó, cơn bão giá lịch sử không chỉ tác động mạnh tới thị trường dầu mỏ mà còn giảm rõ rệt vai trò và ảnh hưởng của tổ chức từng có một thời đầy quyền lực này.