Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030
(Tài chính) Theo Quyết định 906/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, với mục tiêu tổng quan là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân, từng bước tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiến đến tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân.
Mục tiêu đến năm 2015
Thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên: hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị đủ đội ngũ cán bộ quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật nòng cốt cho chủ đầu tư, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà máy. Để phát triển công nghệ điện hạt nhân phải xây dựng được đội ngũ chuyên gia điện hạt nhân.
Phải quy hoạch, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy và chuẩn bị năng lực cho các ngành công nghiệp trong nước tham gia cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân, hoàn tất việc chuẩn bị địa điểm cho khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Đặc biệt đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân nghiên cứu các cơ chế, chính sách và giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân. Tổ chức điều tra, thăm dò nguồn tài nguyên urani, xây dựng cơ chế, chính sách về khai thác, sử dụng thương mại tài nguyên urani.
Cần chú trọng quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng: hoàn thành quy hoạch địa điểm lưu giữ chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình của quốc gia. Nghiên cứu xây dựng các chính sách về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Xây dựng năng lực nghiên cứu triển khai về xử lý chất thải phóng xạ.
Về đảm bảo an toàn hạt nhân: ban hành đủ các văn bản quy phạm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình, thủ tục phục vụ phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Xây dựng đủ năng lực cho cơ quan quản lý an toàn hạt nhân để thực hiện các hoạt động cấp giấy phép liên quan đến đảm bảo an toàn hạt nhân cho giai đoạn đến khi bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật: xây dựng cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập có đủ năng lực để thực hiện phân tích, thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân cho giai đoạn phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân; điều hành hoạt động của mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường; thực hiện việc kiểm định và hiệu chuẩn các thiết bị liên quan trong dự án; có năng lực kỹ thuật bước đầu trong ứng phó và xử lý các sự cố bức xạ và hạt nhân. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở chữa bệnh do phóng xạ của quốc gia.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân: quy hoạch, tuyển dụng và đào tạo đủ cán bộ quản lý dự án, chuyên gia kỹ thuật cho chủ đầu tư, cán bộ chuyên môn cho các cơ quan nghiên cứu triển khai về công nghệ điện hạt nhân, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và cơ quan quản lý an toàn hạt nhân. Đồng thời quy hoạch các cơ sở đào tạo đại học, trên đại học chuyên ngành điện hạt nhân. Xây dựng các chính sách về đào tạo và sử dụng nhân lực điện hạt nhân.
Đầu tư và thu xếp tài chính: nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư và thu xếp tài chính cho việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Mục tiêu đến năm 2020
Thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhân đầu tiên: hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại năm 2020, tổ máy 2 vào vận hành năm 2021.
Công nghệ điện hạt nhân: thực hiện được một số hoạt động chuyển giao công nghệ điện hạt nhân với đối tác nước ngoài, tập trung cho công nghệ thiết kế nhà máy điện hạt nhân.
Tham gia của các ngành công nghiệp trong nước: tổ chức để các ngành công nghiệp trong nước tham gia cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng với giá trị hợp đồng từ 20% đến 30% tổng giá trị xây lắp công trình.
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.
Đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân: ban hành chính sách về đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân, trong đó có việc thành lập quỹ đảm bảo an ninh nhiên liệu. Xây dựng lộ trình về nội địa hoá sản xuất nhiên liệu từ urani giàu nhập khẩu. Xây dựng cơ chế, chính sách về khai thác và sử dụng tài nguyên urani. Có năng lực để tiếp thu công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân và hệ thống phòng thí nghiệm về công nghệ urani hiện đại.
Quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng: ban hành đồng bộ các chính sách về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, có hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại về công nghệ xử lý chất thải phóng xạ.
Đảm bảo an toàn hạt nhân: ban hành đủ các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình, thủ tục phục vụ cho việc cấp phép vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời đảm bảo đủ năng lực cho cơ quan quản lý an toàn hạt nhân để thực hiện nhiệm vụ cấp phép.
Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật: có cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập hoàn chỉnh, đủ năng lực thực hiện phân tích, thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường, kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị hạt nhân, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đảm bảo phục vụ hiệu quả cho việc đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành an toàn. Xây dựng xong cơ sở chẩn đoán và điều trị bệnh phóng xạ tại bệnh viện Ninh Thuận và Trung tâm chẩn đoán và điều trị bệnh phóng xạ của quốc gia tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân: đảm bảo đủ nhân lực cho vận hành và bảo dưỡng tổ máy số 1 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, cơ quan an toàn hạt nhân, các cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật theo yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan này tại thời điểm năm 2020. Vận hành ổn định các cơ sở đào tạo đại học, trên đại học chuyên ngành điện hạt nhân.
Đầu tư và thu xếp tài chính: đảm bảo thu xếp tài chính cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và chuẩn bị phương án thu xếp tài chính cho các nhà máy tiếp theo. Xây dựng cơ chế tài chính cho quản lý chất thải phóng xạ và tháo dỡ nhà máy khi hết hạn sử dụng.
Mục tiêu đến năm 2030
Thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân: triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo, đưa điện hạt nhân thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước, chiếm tỷ lệ thích hợp trong cơ cấu nguồn điện của quốc gia.
Công nghệ điện hạt nhân: làm chủ được công nghệ thiết kế nhà máy điện hạt nhân và có khả năng tham gia thiết kế cùng với đối tác nước ngoài.
Tham gia của các ngành công nghiệp trong nước: các ngành công nghiệp trong nước tham gia vào các công trình nhà máy điện hạt nhân với giá trị hợp đồng chiếm từ 30% đến 40% tổng giá trị xây lắp công trình.
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: hoàn thành việc chuẩn bị địa điểm và khởi công xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.
Đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân: làm chủ công nghệ sản xuất nhiên liệu hạt nhân, xây dựng dự án đầu tư cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân trong nước từ urani giàu nhập khẩu. Bắt đầu tổ chức khai thác thương mại tài nguyên urani trong nước.
Quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng: bắt đầu triển khai nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình của quốc gia; có hệ thống các phòng thí nghiệm đồng bộ và hiện đại về xử lý chất thải phóng xạ.
Đảm bảo an toàn hạt nhân: hoàn thiện, cập nhật, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo năng lực của cơ quan quản lý an toàn hạt nhân phù hợp với sự phát triển của chương trình điện hạt nhân tại thời điểm năm 2030.
Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật: tăng cường, bổ sung tiềm lực cho cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập và cho các cơ sở chẩn đoán và điều trị bệnh phóng xạ phù hợp với nhu cầu phát triển của chương trình điện hạt nhân tại thời điểm năm 2030.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân: đảm bảo đủ nhân lực cho chủ đầu tư, cơ quan an toàn hạt nhân, các cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật theo yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan này ở thời điểm năm 2030. Vận hành ổn định các cơ sở đào tạo đại học, trên đại học chuyên ngành điện hạt nhân.
Đầu tư và thu xếp tài chính: đảm bảo thu xếp tài chính cho nhà máy điện hạt nhân tiếp theo. Tổ chức vận hành cơ chế thu xếp tài chính cho quản lý chất thải phóng xạ và tháo dỡ nhà máy khi hết hạn sử dụng.