Thủ tướng: Bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%


Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. Hồ Chí Minh được tổ chức sáng ngày 01/8 nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Buổi làm việc thứ tư của Thủ tướng với các địa phương trong vòng 2 tuần qua nhằm tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước.
Buổi làm việc thứ tư của Thủ tướng với các địa phương trong vòng 2 tuần qua nhằm tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước.

Đây là buổi làm việc thứ tư của Thủ tướng với các địa phương trong vòng 2 tuần qua nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước đang trong tình trạng  trì trệ nửa đầu năm 2020.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công tính đến 30/6/2020 của 13 địa phương đạt 19 nghìn tỷ đồng, bằng 34,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước 33,9%, trong đó 2/3 số tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 30%. Thống kê các địa phương theo tỷ lệ giải ngân thì tỉnh Tiền Giang, địa phương đang triển khai dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất 77,3% (đến ngày 15/7/2020 đã đạt hơn 80%, cao nhất cả nước).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, dù tình hình thế nào cũng phải bình tĩnh với ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn. Bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%, thúc đẩy mọi giải pháp để có tăng trưởng dương, tăng trưởng toàn vùng ĐBSCL không thấp hơn mức bình quân cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các địa phương đã khắc phục tốt các hậu quả của hạn mặn, đã phòng chống Covid-19 quyết liệt. Nhiều tỉnh quyết tâm giải ngân 100%, không điều chỉnh chỉ tiêu...

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, thúc đẩy mở rộng phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, khắc phục chồng chéo, tháo gỡ nút thắt, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là phân cấp phân quyền cho các địa phương chủ động tốt hơn nữa.

Địa phương phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa bàn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng, tạo việc làm. ĐBSCL cần chuẩn bị sẵn điều kiện gì để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam cũng như đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng.

Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, dù tình hình thế nào thì cũng phải bình tĩnh, cùng nhau hợp lực, quyết tâm vượt qua khó khăn. Phải có trách nhiệm triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, cần cảnh giác, kịp thời, áp dụng công nghệ, truy vết, bao vây ngay khi có ổ dịch xuất hiện.

Về phát triển kinh tế xã hội, cố gắng thúc đẩy mọi giải pháp để có tăng trưởng dương. Tăng trưởng GRDP toàn vùng không thấp hơn mức trung bình cả cả nước. Bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải ra tay để có mặt bằng cho thi công.

Ngoài kinh tế truyền thống, chú ý phát triển một số ngành mới như kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế ban đêm… Lãnh đạo các địa phương phải cố gắng tháo gỡ lực cản đối với phát triển ở địa phương.

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm nay, Thủ tướng nêu rõ, việc lập Quy hoạch này cần lưu ý phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng.

Về nông nghiệp, hướng sản xuất là nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu với 3 trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo theo tỷ lệ, cơ cấu phù hợp với diễn biến của khí hậu, môi trường.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, hội nhập; quản lý tốt tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn.

Thủ tướng nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương tích cực, chủ động hỗ trợ các địa phương trong vùng kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam để thu hút đầu tư thời gian tới.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đại diện các tỉnh ĐBSCL đều khẳng định quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu ở mức cao nhất, trong đó có tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công. Lãnh đạo các địa phương nhấn mạnh về vấn đề liên kết vùng, “muốn đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì cùng đi với nhau”.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khẳng định, không điều chỉnh chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2020, đồng thời kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương sớm chấp thuận bổ sung cảng biển nước sâu Trần Đề vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo quy định. 

Nhất trí về vai trò quan trọng của cảng này đối với khu vực, lãnh đạo tỉnh An Giang cũng có kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA (của WB) trong thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP để kiện toàn hệ thống hạ tầng giao thông gắn với logistic tỉnh An Giang và tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên trong liên kết vùng ĐBSCL, gồm Dự án cao tốc Cần Thơ – Long Xuyên - Châu Đốc.