Định vị đúng thị trường Trung Quốc (Kỳ 1)
Trong bối cảnh tình hình ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc tiếp tục diễn biến phức tạp, một số ý kiến đã đưa ra câu chuyện đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu như liều thuốc hữu hiệu. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, không thể đánh đồng hai khái niệm đa dạng hóa thị trường và chuyển hướng thị trường. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu, và nhập khẩu, quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Còn nhiều dư địa
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu xấp xỉ 110 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020.
Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Dù vậy, dư địa để Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc vẫn còn rất nhiều trong thời gian tới, thể hiện qua một số yếu tố.
Thứ nhất, nhu cầu hàng hóa của thị trường Trung Quốc có quy mô lớn và phân lớp đa dạng.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông thủy sản, của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể, từ phân khúc cao cấp đến bình dân.
Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (71,8 triệu người), Giang Tô (75,6 triệu người), Hồ Nam (65,6 triệu người)... Riêng hai địa phương có biên giới tiếp giáp với Việt Nam là tỉnh Vân Nam (48,0 triệu người) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (48,8 triệu người) mang lại cơ hội trực tiếp cho Việt Nam khai thác thương mại qua biên giới.
Thứ hai, Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trải dài tạo lợi thế về logistics và tập quán giao thương lâu đời.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài 1449,566 km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Hoạt động giao thương giữa người dân khu vực biên giới hai nước đã được hình thành qua hàng trăm năm, trở thành tập quán lâu đời.
Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tại Bắc Kinh ngày 12/9/2016 đã có hiệu lực ngay ngày ký và thay thế cho Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa hai nước ký ngày 19/10/1998, cũng khẳng định cam kết của hai bên về tăng cường phối hợp, áp dụng các biện pháp, tích cực khuyến khích, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định.
Trong bối cảnh mới, chính quyền cấp cao hai nước đã và đang tích cực trao đổi, phối hợp, đưa ra những cam kết về bảo đảm thuận lợi hóa thương mại ở mọi tình huống.
Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt - Trung.
Thứ ba, hai thị trường có tính chất bổ trợ lẫn nhau.
Việt Nam hiện xuất khẩu sang Trung Quốc 4 nhóm hàng chính: (1) Nhóm nguyên nhiên liệu: dầu thô, than, quặng kim loại, các loại hạt có dầu, dược liệu (cây làm thuốc); (2) Nhóm nông sản: lương thực (gạo, sắn khô), rau củ quả (đặc biệt là các loại hoa quả nhiệt đới như chuối, xoài, chôm chôm, thanh long…), chè, hạt điều; (3) Nhóm thủy sản: thủy sản tươi sống, thủy sản đông lạnh, một số loại mang tính đặc sản như rắn, rùa, ba ba…; (4) Nhóm hàng tiêu dùng: hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ cao cấp, bột giặt, bánh kẹo… Trong đó, riêng nhóm hàng nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu song phương và chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng của Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Cơ cấu của từng nhóm mặt hàng nhập khẩu trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn khá ổn định qua từng năm. Trong các nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc có 7 nhóm hàng thường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD như (1) máy móc thiết bị, phụ tùng; (2) sắt thép các loại; (3) điện thoại các loại và linh kiện; (4) hóa chất; (5) sản phẩm từ chất dẻo; (6) ô tô các loại; (7) nguyên phụ liệu dệt may da giày.
Thứ tư, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được duy trì giữa bối cảnh trong và sau dịch bệnh COVID-19.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của Trung Quốc đạt 114.367 tỷ NDT (tương đương hơn 17.700 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,1%, hoàn thành mục tiêu dự kiến trên 6% của cả năm.
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng 12.551 USD, gần bằng mức "quốc gia có thu nhập cao" theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới và vượt qua GDP bình quân đầu người toàn cầu là 12.100 USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa năm 2021 nước này vượt 6.050 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 21,4%, cao nhất từ trước đến nay. Trong tháng 12/2021, các lô hàng xuất đi từ Trung Quốc đã vượt dự báo và tăng 21%, nâng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc trong năm lên gần 3.400 tỷ USD.
Dù việc theo đuổi chính sách “ZERO-COVID” được cho là ảnh hưởng nặng nề đến xu hướng sụt giảm tăng trưởng GDP theo từng quý năm 2021, khiến các tổ chức kinh tế giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022, nhiều ý kiến lại kỳ vọng các thách thức kinh tế có thể sẽ khiến Chính phủ Trung Quốc phải nghĩ đến các biện pháp để giúp cho quá trình vận hành kinh tế thông suốt hơn. Mặt khác, về dài hạn, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Vương quốc Anh đưa ra dự báo Trung Quốc sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới vào năm 2030, cho thấy vị thế của quốc gia này sẽ được củng cố hơn nữa, mở ra nhiều cơ hội khai thác cho doanh nghiệp Việt Nam.
Định vị đúng để có hành động hiệu quả
Theo đuổi chính sách “ZERO-COVID”, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có, liên tiếp dừng hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh từ Việt Nam, cũng như hoạt động thông quan tại nhiều cửa khẩu, lối mở; đồng thời ban hành nhiều thay đổi về quy định, chính sách để siết chặt hoạt động nhập khẩu.
Trong đó, phải kể đến Lệnh số 248 ngày 12/4/2021 về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài và Lệnh số 249 ngày 14/4/2021 về quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, ban hành từ năm 2019 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022. Việc siết chặt các quy định không chỉ áp dụng với doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam mà với tất cả các quốc gia xuất khẩu vào Trung Quốc. Thậm chí, Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã phải nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để gia hạn việc thực thi hai lệnh này thêm 18 tháng do những khó khăn, thách thức mà nó sẽ đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Quay trở lại với Việt Nam, đến thời điểm này, chỉ có 13/76 cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới phía Bắc đang hoạt động.
Đáng chú ý, trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2021 phía Trung Quốc đã trả về qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 105,17 tấn hàng/4 xe cá cơm khô của Việt Nam vì lý do dư lượng Axit Photphoric, phốt phát vượt quá yêu cầu tiêu chuẩn cho phép (ngày 10/11/2021 trả 1 xe và ngày 18/12 trả 3 xe).
Như vậy, không chỉ liên quan đến dịch bệnh, mà chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng chưa thực sự ổn định, ảnh hưởng tới uy tín khi giao dịch với các đối tác; khi xuất sang Trung Quốc thường phải phân loại lại, có trường hợp do chất lượng không đảm bảo nên bị ép giá, thậm chí không thể xuất khẩu.
Thực tế, từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường như đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn… Và dịch COVID-19 tiếp tục đặt ra những yêu cầu kép, chặt chẽ hơn về an toàn chất lượng và an toàn dịch bệnh.
Nếu không chú trọng hơn nữa vào công tác nắm bắt kịp thời, phổ biến những đòi hỏi từ nước bạn, để kiểm soát chặt chẽ yếu tố an toàn, cố gắng đáp ứng được nhiều nhất yêu cầu về bao gói, vận chuyển, tiêu chuẩn hàng hóa,… thì câu chuyện hàng hóa bị trả về do phát hiện vấn đề về dịch bệnh hay chất lượng hoàn toàn có thể xảy ra một lần nữa, 13 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động có thể bị yêu cầu đóng lại bất cứ lúc nào, chưa nói đến việc phục hồi hoạt động tại 63 cửa khẩu, lối mở còn lại.
Xa hơn, tổ chức sản xuất gắn với tín hiệu thị trường vẫn là chìa khóa cuối cùng, kết hợp với nâng cao chất lượng hạ tầng thương mại khu vực cửa khẩu biên giới thông qua cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương.
Quá trình chuyển đổi từ giao thương tiểu ngạch sang hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch cần được thúc đẩy nhanh hơn, nhưng song song với đó, khi mục tiêu chính ngạch hóa chưa đạt được, cần tăng cường công tác quản lý, tổ chức lại hoạt động buôn bán biên mậu và buôn bán phi mậu dịch, giảm thiểu rủi ro trong giao dịch. Đồng thời, định hình lại chuỗi phân phối, tạo cơ chế và điều kiện thuận để hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, doanh nghiệp kinh doanh nắm bắt cơ hội thị trường, từ đó quay trở lại đặt hàng sản xuất, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu, Việt Nam cần tổ chức rà soát, khảo sát, nghiên cứu số liệu và đưa ra những đánh giá, phân tích về: (i) tác động của các quy định, chính sách này, (ii) tác động của dịch bệnh COVID-19, đến hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Trên cơ sở đó, kịp thời ban hành những giải pháp, kế hoạch đúng đắn để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tác động tiêu cực và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.