“Đo” tài sản của các tỷ phú Việt năm 2019
Trong những tuần cuối cùng của năm 2019, tài sản của các tỷ phú Việt Nam chứng kiến nhiều sự thay đổi. Ông Nguyễn Đăng Quang bất ngờ lấy lại danh hiệu tỷ phú USD, trong khi ông Phạm Nhật Vượng đã không còn nằm trong top 200 người giàu nhất hành tinh. Còn tài sản của bà chủ Vietjet Air tiếp tục tăng thêm 400 triệu USD.
Theo cập nhật mới nhất của Forbes, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng đã không còn nằm trong top 200 người giàu nhất hành tinh. Cụ thể, thứ hạng của ông Vượng trong danh sách tỷ phú của Forbes đã rơi 44 bậc, từ vị trí 195 hồi tháng 8/2019 xuống vị trí 239 với tài sản 7,6 tỷ USD tại ngày 23/12, xếp ngay trên một số thành viên của gia tộc người Mỹ sở hữu hãng bánh kẹo Mars.
Trước đó, giữa tháng 2/2019, ông Vượng lần đầu tiên lọt vào danh sách 200 người giàu nhất thế giới (xếp thứ 198) với khối tài sản 7,5 tỷ USD. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 20/3/2019, giá trị tài sản của vị tỷ phú này đã tăng vọt lên mức 8,1 tỷ USD, xếp thứ 193 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Đến tháng 8/2019, tỷ phú giàu nhất Việt Nam đứng thứ 195 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes với khối tài sản 8,25 tỷ USD.
Thứ hạng và tổng tài sản của ông Vượng trong danh sách tỷ phú của Forbes sụt giảm trong bối cảnh Vingroup ra thông báo sáp nhập 2 công ty con là VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) vào Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Vingroup cho biết, việc thực hiện tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi là nhằm tập trung nguồn lực cho VinFast và VinSmart.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Bloomberg mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiết lộ tham vọng bán các dòng xe ô tô điện thương hiệu VinFast ở thị trường Mỹ, châu Âu và Nga vào năm 2021. Để hoàn thành kế hoạch đó, ông Vượng dự định sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD từ tài sản cá nhân của mình.
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ông Vượng chia sẻ, trong vài năm tới, Vingroup sẽ phải dành khoảng 18.000 tỷ đồng (tương đương 777 triệu USD) mỗi năm để bù lỗ cho VinFast. Thua lỗ sẽ bao gồm khấu hao và khoản bù lỗ khoảng 7 nghìn tỷ đồng mỗi năm vì bán xe ở mức rẻ hơn chi phí.
Tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - bà chủ Vietjet Air - tăng thêm 400 triệu USD so với đầu năm 2019. Hiện CEO Vietjet Air đang xếp thứ 929 trên bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes với khối tài sản 2,7 tỷ USD.
Để tập trung cho VinFast, Vingroup đã bán bớt cổ phần ở một vài mảng và triệt để cắt giảm chi phí ở những mảng còn lại. VinFast cũng sẽ tìm đến những khoản vay mới, thêm vào khối nợ trị giá 1,95 tỷ USD hiện có. Ông Vượng cũng lên kế hoạch niêm yết VinFast trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam và có thể là cả quốc tế.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/12, giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup được giao dịch ở mức 115.500 đồng/cổ phần, giảm gần 7% so với thời điểm đầu tháng 8/2019.
Quay trở lại với thương vụ sáp nhập được ví như bom tấn trong ngành bán lẻ, đối tác của ông Vượng là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Masan đã bị loại khỏi danh sách tỷ phú của Forbes. Lý do được giới phân tích cho rằng bắt nguồn từ việc giá cổ phiếu Masan giảm sâu trong thời gian gần đây. Khối tài sản của ông Quang tính đến ngày 11/12/2019 chỉ còn 980,8 triệu USD.
Sau thông tin về thương vụ sáp nhập VinCommerce và VinEco về Masan, giá cổ phiếu MSN của Masan không ngừng lao dốc. Chốt phiên giao dịch ngày 23/12, giá giao dịch của MSN chỉ còn 51.600 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 25% so với khi chưa công bố thông tin sáp nhập và giảm 34% so với giá trị đầu năm.
Tuy vậy, chỉ 5 ngày sau khi rời khỏi danh sách tỷ phú, vào ngày 16/12/2019, ông Quang đã quay trở lại danh sách này với khối tài sản quy ra từ cổ phiếu đạt tròn 1 tỷ USD, xếp vị trí 2.143 trên thế giới. Và tính đến ngày 25/12, con số tài sản của tỷ phú này bật tăng trở lại mức 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.717.
Trước đó, một tỷ phú khác của Việt Nam cũng từng bị đưa ra khỏi danh sách tỷ phú của Forbes với lý do tương tự là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát. Ông Long được xếp hạng tỷ phú vào tháng 3/2018 với giá cổ phiếu đạt gần 48.000 đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm Forbes chốt tính toán giá trị tài sản, giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát giảm hơn 40%, còn 27.300 đồng.
Còn cộng sự thân thiết của ông chủ Masan là Chủ tịch Ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh cũng chứng kiến khối tài sản sụt giảm đáng kể. Hiện giá trị tài sản của ông Hùng Anh là 1,3 tỷ USD, thấp hơn 400 triệu USD so với mức 1,7 tỷ USD vào tháng 3/2019.
Trái ngược với hoàn cảnh của 4 vị tỷ phú trên, tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại tăng thêm 400 triệu USD so với đầu năm. Hiện CEO Vietjet Air đang xếp thứ 929 trên bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes với khối tài sản 2,7 tỷ USD.
Riêng ông Trần Bá Dương không có sự biến động trong tài sản, giữ nguyên ở mức 1,7 tỷ USD. Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) của ông Dương là công ty duy nhất trong số các doanh nghiệp của tỷ phú Việt chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.