Những tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất và “thua đậm” nhất năm 2019
Trong khi những cái tên quen thuộc như Bernard Arnault, Mark Zuckerberg tiếp tục là các tỷ phú “ăn nên làm ra”, người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos trở thành người “thua đậm” thứ hai trong năm 2019..
Bất chấp một năm kinh tế toàn cầu đầy biến động, tài sản của những người giàu nhất thế giới vẫn tiếp tục tăng. Theo Forbes, tính riêng 5 tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất trong năm 2019, mức tăng tài sản của họ đã xấp xỉ 112 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức tăng vào năm ngoái. Năm nay, danh sách những tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất và mất tiền nhiều nhất được Forbes lựa chọn căn cứ trên sự thay đổi giá trị tài sản ròng của hơn 2.200 tỷ phú trong khoảng thời gian từ ngày 28/12/2018 đến ngày 13/12/2019.
Theo đó, tỷ phú người Pháp Bernard Arnault - Chủ tịch tập đoàn thời trang xa xỉ Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) - là người kiếm được nhiều tiền nhất trong năm nay, với tổng tài sản tăng thêm 40 tỷ USD. Đáng chú ý, người giàu thứ tư thế giới bỏ xa tỷ phú Mark Zuckerberg - người kiếm tiền nhiều thứ hai thế giới năm nay - tới 18 tỷ USD. Năm nay, ông chủ mạng xã hội Facebook đã có cuộc lội ngược dòng xuất sắc khi kiếm được 22,1 tỷ USD, từ vị trí là người “lỗ đậm” nhất thế giới khi mất 18,7 tỷ USD vào năm ngoái.
Trong khi đó, người kiếm tiền nhiều nhất thế giới năm 2018 - tỷ phú Jeff Bezos, lại là người mất tiền nhiều thứ hai trong năm nay, sau cuộc ly hôn tiêu tốn hơn 30 tỷ USD đầy tranh cãi với người vợ MacKenzie Bezos. Dẫu vậy, vị trí của ông chủ Amazon trên danh sách những người giàu nhất thế giới vẫn không thay đổi, nhờ cổ phiếu Amazon tăng đến 18%.
Xếp trên Bezos trong danh sách những người mất tiền nhiều nhất năm 2019 là tỷ phú công nghệ Azim Premji - Chủ tịch HĐQT của Wipro Ltd. Vào tháng 3/2019, vị tỷ phú người Ấn Độ cho biết, đã chuyển 60% cổ phần tại Wipro sang quỹ từ thiện của mình trong nhiều năm qua. “Người đã được nhận nhiều, nên cho đi nhiều”, vị tỷ phú nói. Và, dưới đây là danh sách cụ thể những tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất và mất tiền nhiều nhất trong năm qua:
1. Bernard Arnault
Tài sản tăng: 40 tỷ USD
Không chỉ riêng Arnault, tài sản của giới nhà giàu Pháp cũng tăng lên đáng kể trong năm qua. Kể từ tháng 12/2018 cho đến nửa đầu 2019, tài sản của 14 vị tỷ phú Pháp góp mặt trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg đã tăng thêm 78 tỷ USD, tương đương mức tăng 35%.
Trong số 78 tỷ USD tài sản tăng thêm của những đại gia Pháp, chỉ riêng hai ông trùm thời trang xa xỉ là Arnault và Francois Pinault, cùng bà Francoir Bettencourt Meyers - người thừa kế đế chế mỹ phẩm L'Oreal - đã chiếm 53 tỷ USD.
Nguyên do đằng sau sự tăng trưởng này đến từ việc nhu cầu hàng xa xỉ của thị trường Trung Quốc tiếp tục được duy trì ổn định, bất chấp những bất ổn phát sinh từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đồng thời, giá cổ phiếu của LVMH đã tăng gần 53% trong năm qua, gần gấp 3 lần trong chưa đầy 4 năm.
Tháng 11 vừa rồi, LVMH cũng tuyên bố mua lại chuỗi cửa hàng trang sức 182 năm tuổi Tiffany & Co với giá 16,2 tỷ USD. "Tâm niệm mỗi sáng của tôi là khát khao về một thương hiệu mạnh mẽ như bây giờ kể cả trong 10 năm nữa. Nó thực sự là chìa khóa thành công của chúng tôi", Arnault nói.
2. Mark Zuckerberg
Tài sản tăng: 22,1 tỷ USD
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần, Mark Zuckerberg và Facebook tiếp tục là đối tượng hứng chịu nhiều chỉ trích - từ các ứng cử viên tổng thống cho đến CEO Twitter Jack Dorsey - người trong một động thái triệt để đã loại bỏ hết quảng cáo chính trị trên nền tảng mạng xã hội của mình hồi tháng 10. Dù vậy, với kết quả kinh doanh ấn tượng, cùng nhiều tính năng mới ra mắt như Facebook News và Facebook Dating, cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn tăng 48% trong năm qua, giúp Mark bỏ túi hơn 22 tỷ USD.
3. Amancio Oterga
Tài sản tăng: 17,3 tỷ USD
Cổ phiếu của Inditex (công ty mẹ Zara) tăng gần 34% trong năm qua giúp nhà sáng lập Amancio Ortega trở thành tỷ phú kiếm tiền nhiều thứ 3 thế giới. Trong một báo cáo vào tháng 11, hãng bán lẻ thời trang này tuyên bố đã cắt giảm chi phí hoạt động trong khi sẽ tiếp tục tăng sự hiện diện của Zara trên toàn cầu, thông qua các cửa hàng trực tuyến ở Nam Phi, Colombia, Philippines và Ukraine. Hiện, Ortega chiếm khoảng 60% cổ phần Inditex. Công ty này đồng thời sở hữu các thương hiệu Massimo Dutti, Pull & Bear và Bershka.
4. Steve Ballmer
Tài sản tăng: 16,3 tỷ USD
Ballmer là cựu CEO của Microsoft, và đồng thời là người đã giúp chèo lái ông lớn công nghệ với giá trị vốn hoá lên đến 1,18 nghìn tỷ USD này qua nhiều thời điểm khó khăn từ năm 2000 - 2014. Năm 2019, lợi nhuận của Microsoft tiếp tục tăng, nhờ sự hiện diện của công ty này trong cung cấp dịch vụ đám mây thương mại.
Công ty vào tháng 9/2019 cũng đã tuyên bố sẽ chi tới 40 tỷ USD để mua lại cổ phiếu và tăng cổ tức 11%, trong bối cảnh Microsoft ngày càng ăn nên làm ra nhờ mảng điện toán đám mây, nhờ đó giúp tài sản của Ballmer tăng lên đáng kể.
5. Mukesh Ambani
Tài sản tăng: 16,1 tỷ USD
Đây là năm thứ ba liên tiếp tỷ phú Mukesh Ambani - Chủ tịch, CEO Reliance Industries, nằm trong danh sách những người kiếm được nhiều tiền nhất.
Với cổ phần trong nhiều lĩnh vực, từ dầu mỏ, khí đốt, viễn thông cho đến bán lẻ, Reliance Industries đã có một năm kinh doanh mạnh mẽ, với doanh thu 2019 đạt hơn 90 tỷ USD và dự kiến đến tháng 3/2020 sẽ không còn nợ. Ngoài ra, Reliance Industries đã đồng ý bán 20% cổ phần trong mảng hóa dầu và kinh doanh lọc dầu cho Saudi Aramco với giá 15 tỷ USD, cũng như công bố một liên doanh bán lẻ nhiên liệu với BP vào tháng 12, với 5.500 trạm xăng dự kiến ra mắt trên khắp Ấn Độ.
1. Azim Premji
Tài sản giảm: 14,1 tỷ USD
Vào giữa tháng 3/2019, tỷ phú Ấn Độ Azim Premji - Chủ tịch Wipro, cho biết đã dành thêm 34% tổng số cổ phiếu của tập đoàn này, trị giá 7,5 tỷ USD để ủng hộ các hoạt động từ thiện. Số cổ phiếu nói trên được chuyển vào Azim Premji Foundation - quỹ từ thiện do vị tỷ phú sáng lập.
"Với hành động này, tổng giá trị từ thiện do Premji đóng góp đã đạt 21 tỷ USD, trong đó có cổ phần 67% trong Wipro" - một tuyên bố của quỹ ngày 14/3 cho biết. Trước đó, vị tỷ phú 73 tuổi này là người giàu thứ hai Ấn Độ và xếp thứ 51 trong xếp hạng tỷ phú toàn cầu của Bloomberg, với khối tài sản 18,4 tỷ USD.
2. Jeff Bezos
Tài sản giảm: 13,1 tỷ USD
Tháng 1/2019, Jeff Bezos và người vợ MacKenzie tuyên bố đã ly hôn sau 25 năm chung sống. Một phần của thỏa thuận ly hôn là nội dung Bezos chuyển 25% cổ phần của mình tại Amazon cho MacKenzie - người hiện sở hữu khoảng 4% gã khổng lồ thương mại điện tử.
Sau khi việc chuyển nhượng hoàn tất vào tháng 7, ước tính giá trị tài sản ròng của Bezos đã giảm 36,8 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ đó, cổ phiếu của Amazon đã tăng giá, giúp triệt tiêu phần lớn số tiền mà người giàu nhất thế giới đánh mất sau vụ ly hôn.
3. Subhash Chandra
Tài sản giảm: 3,4 tỷ USD
Subhash Chandra - Chủ tịch tập đoàn truyền thông Ấn Độ Essel Group đã có một năm đầy biến động, với số tài sản thất thoát lên tới 3,4 tỷ USD.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên được cho là bởi giá cổ phiếu của Zee Entertainment Enterprises - một trong những công ty truyền thông của Essel, giảm tới 41%. Một công ty khác của Essel, Dish TV cũng vật lộn với tình trạng giá cổ phiếu giảm sâu 65% trong cùng kỳ. Tập đoàn đã phải thoái vốn một số tài sản để trả nợ, và bán 11% cổ phần của Zee Entertainment Enterprises cho Quỹ Invesco Oppenheimer với giá hơn 600 triệu USD.
4. Travis Kalanick
Tài sản giảm: 3,1 tỷ USD
Uber - một trong những thương vụ IPO được mong đợi nhất năm nay - lại gặp phải thất bại toàn tập. Cổ phiếu Uber đã giảm hơn 30% kể từ khi ra IPO vào tháng 5, khiến giá trị tài sản ròng của cựu CEO Travis Kalanick - người sở hữu khoảng 8,6% công ty - tụt dốc thê thảm.
Ngoài ra, Kalanick đã bán gần 90% cổ phần Uber của mình kể từ khi kết thúc thời kỳ giới hạn (lockup) vào đầu tháng 11. Và, mỗi lần như vậy, Kalanick đều phải nộp thuế thu nhập cho tiểu bang và liên bang, khiến tài sản tiếp tục bị hao tổn.
5. Yan Zhi
Tài sản giảm: 3 tỷ USD
Vào tháng 8/2019, Tập đoàn Thương mại Thông minh Zall của Yan Zhi báo cáo lợi nhuận giảm 74% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2019.
Trong một lá thư gửi nhà đầu tư, Yan thừa nhận các khó khăn mà tập đoàn phải đối mặt, mà nguyên do được trích dẫn là “điều kiện kinh tế quốc tế phức tạp và sức ép gia tăng đối với nền kinh tế nội địa". Công ty thành lập từ năm 1996 với tư cách là nhà phát triển trung tâm mua sắm và sau đó tham gia vào thương mại điện tử cũng như kinh doanh bán buôn, logistics và kho bãi.