Đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì sự phát triển chung của ngành Tài chính
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 4, triển khai chương trình công tác tháng 5, chiều 06/5/2024.
Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt khá so với dự toán
Phát biểu chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến để đạt hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ rõ, thu NSNN dựa vào sức tăng trưởng của nền kinh tế, với quy mô nền kinh tế nhỏ như hiện nay, dự trữ tài chính ít, nhu cầu chi tiêu lớn và để đảm bảo giá điện, giá vàng… ổn định là các vấn đề gây áp lực đến nền kinh tế nói chung và việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Tài chính nói riêng.
“Lúc này cần phải đoàn kết, sáng tạo, dám đổi mới, có bản lĩnh để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, chú trọng quản trị các rủi ro. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ thì phải nỗ lực làm chặt chẽ, hiệu quả. Cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính phải cố gắng vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, phấn đấu vì sự phát triển chung của Ngành”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị, thu NSNN 4 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán, thu NSNN ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa ước đạt 629,9 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% dự toán, tăng 12,9% so cùng kỳ năm 20234.
Hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá (trên 34%) so dự toán, trong đó, thu từ 03 khu vực kinh tế (chiếm 50,9% dự toán thu nội địa) ước đạt 45,7% dự toán, thuế thu nhập cá nhân ước đạt 45,1% dự toán; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 51,1% dự toán; thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 81,4% dự toán; thu khác ngân sách ước đạt 48,7% dự toán. Ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 4 tháng đạt trên 40% dự toán; 54/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Bên cạnh thu nội địa, thu từ dầu thô 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, bằng 46,2% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2023. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 82,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán, giảm 5,7% so cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo tại Hội nghị về tình hình công tác của ngành Thuế, ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, 4 tháng đầu năm, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 640.298 tỷ đồng, bằng 43% so với dự toán, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 21.236 tỷ đồng, bằng 46,2% so với dự toán, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2023; thu nội địa ước đạt 619.063 tỷ đồng, bằng 43% so với dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ; thu thuế, phí nội địa ước đạt 478.433 tỷ đồng, bằng khoảng 44% so với dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. So với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2023 có 13/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 40%); 12/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Mặc dù tăng so với cùng kỳ, song Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cũng lưu ý những dấu hiệu cho thấy công tác thu đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế, thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và đánh giá đúng tình hình kinh tế trong nước và thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tiền tệ mà các nước thực hiện đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN.
Phát biểu tại điểm cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thông tin về công tác hoàn thiện pháp luật liên quan đến tiến độ 3 nghị định ngành Hải quan đang chủ trì xây dựng, sửa đổi gồm Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị tới Bộ Tài chính những nội dung liên quan đến quy trình mua sắm chung trong phân cấp quản lý về tài chính về xây dựng cơ bản; kinh phí dự toán mua sắm trang thiết bị máy móc tại các cửa khẩu cho công tác chống buôn lậu…
Tại điểm cầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán tháng 4 vận hành một cách thông suốt và khối lượng lệnh giao dịch bình quân hằng ngày là 1,4 triệu lệnh, chiếm khoảng xấp xỉ 40% công suất vận hành hiện tại của hệ thống.
Đối với việc bảo mật an toàn thông tin, người đứng đầu ngành Chứng khoán cho biết đã có văn bản chỉ đạo các sở giao dịch tăng cường bảo mật thông tin nhiều lớp, ngoài các đơn vị đang cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin của các sở, còn đề nghị mời các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn của Quân đội vào hỗ trợ để đảm bảo an toàn thông tin.
Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính
Đánh giá cao những cố gắng của các đơn vị trong tháng qua, nhất là vai trò của người đứng đầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, theo dõi tình hình chung cho thấy các đơn vị đã bám sát, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Biểu dương tinh thần trách nhiệm cao của các công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính, Thứ trưởng cũng lưu ý, với khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn của ngành Tài chính, các đơn vị cần phải tăng cường phối hợp để đảm bảo hoàn thành công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật. Đối với nội bộ ngành, cần phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các đơn vị; đối với các bộ, ngành khác cần có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ hơn, bám sát hơn, với phương châm chất lượng văn bản là vấn đề cực kỳ quan trọng, đảm bảo chặt chẽ; rà soát kỹ lưỡng về mặt câu từ, về sự thống nhất giữa các văn bản liên quan…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng đề nghị các đơn vị tập trung đẩy nhanh việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, nhất là đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), khẩn trương phối hợp với các đơn vị chuyên môn để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.
Cùng với đó, đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu phải phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật, trên cơ sở đó báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tình hình khó khăn có thể kéo dài vì thế các đơn vị trong Ngành cần căn cứ theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ đã thống nhất tại Hội nghị giao ban này để thực hiện công tác trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành nghiêm túc khắc phục những tồn tại hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi NSNN; tăng cường kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ, đặc biệt quan tâm vấn đề quản trị rủi ro của Ngành.
Bên cạnh đó, tập trung, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành; Triển khai quyết liệt phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát báo cáo Bộ xem xét ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Chỉ đạo cụ thể đối với lĩnh vực thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị ngành Thuế quản lý tốt các vấn đề về thu thuế sàn thương mại điện tử, hoá đơn điện tử, chống hoá đơn giả... Đối với ngành Hải quan, cần đặc biệt lưu ý đến công tác chống buôn lậu, nhất là buôn lậu vàng, ngoại tệ, ma tuý, đồng thời đẩy mạnh xây dựng hải quan thông minh, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin theo hướng số hóa; bảo đảm trang thiết bị phục vụ công tác hiện đại hóa ngành Hải quan.
Đối với lĩnh vực chứng khoán, Bộ trưởng yêu cầu tập trung quản lý, phát triển an toàn, bền vững thị trường chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân...