Bộ trưởng Bộ Tài chính đôn đốc 6 địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Chính phủ về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã kiểm tra, chỉ rõ các nguyên nhân và đôn đốc 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân.
06 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân cả nước
Trong Báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở kết quả giải ngân 03 tháng đầu năm 2024 của các địa phương thuộc Tổ công tác số 5, có 06/12 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 thấp hơn bình quân chung cả nước, bao gồm: Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho 06 địa phương nêu trên là 46.465,672 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách trung ương là 10.242,902 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương là 36.222,77 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của 06 địa phương là 54.714,093 tỷ đồng.
Thực tế đến hết ngày 31/3/2023, tỷ lệ giải ngân của các địa phương cơ bản vẫn thấp hơn ước giải ngân bình quân chung cả nước đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình điều hành tài chính - ngân sách nhà nước 03 tháng đầu năm. Cụ thể: tỉnh Bình Thuận giải ngân đạt 8,77%, Gia Lai đạt 6,31%, Đồng Nai đạt 10,59%, Bình Dương đạt 11,98%%, Bình Phước đạt 10,7 %, Tây Ninh đạt 13,6%.
Ước dự kiến khả năng giải ngân của 04 tháng năm 2024 của 06 địa phương không có nhiều đột phá, cụ thể: Bình Thuận đạt 12,88%, Gia Lai đạt 11,37%, Đồng Nai đạt 18,43%, Bình Dương đạt 16,79%, Bình Phước đạt 16,36%, Tây Ninh đạt 18,18%.
Ngoài ra, đến hết ngày 31/3/2024, nhiều dự án của các địa phương nêu trên đã được bố trí kế hoạch vốn vẫn chưa giải ngân hay số vốn giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2024). Cụ thể: Bình Thuận có 05 dự án; Gia Lai có 17 dự án; Đồng Nai có 05 dự án; Bình Dương có 02 dự án; Bình Phước có 04 dự án và Tây Ninh có 02 dự án.
Nhiều nguyên nhân chậm giải ngân được chỉ ra
Theo báo cáo của các địa phương, một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới việc triển khai và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 do cơ chế chính sách. Điển hình là các vướng mắc liên quan đến trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước; xác định giá đất; hướng dẫn, quy định cụ thể đối với một số Tiểu dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia...
Ngoài ra, còn có những vướng mắc từ khâu tổ chức thực hiện. Về cơ bản trong tháng 01/2024, các chủ đầu tư vẫn đang tập trung hoàn tất hồ sơ báo cáo thanh toán, giải ngân phần vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023. Bên cạnh đó, các dự án khởi công cuối năm 2023 chuyển tiếp sang năm 2024 cũng đang được tập trung thi công để có khối lượng thanh toán phần vốn đã tạm ứng từ kế hoạch năm 2023, do đó chưa có khối lượng thực hiện giải ngân, thanh toán kế hoạch năm 2024.
Các dự án mới phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2023, được giao vốn kế hoạch năm 2024 đang được các chủ đầu tư thực hiện các bước phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu, lập phương án giải phóng mặt bằng. Do đó, chưa có khối lượng để thực hiện giải ngân, thanh toán kế hoạch vốn trong những tháng đầu năm.
Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, nhiều dự án chưa được bàn giao hết mặt bằng để tiếp tục tổ chức thực hiện thi công. Các mặt bằng này đang được các chủ đầu tư tập trung thực hiện công tác đo vẽ, kiểm đếm, công bố thu hồi đất theo quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu thi công. Một số dự án chưa phù hợp với kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất mới có cơ sở thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra phân bổ kế hoạch vốn năm 2024, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công còn ở khâu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật đầu tư công, Quyết định giao vốn kế hoạch năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ đầu năm, một số địa phương chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn năm 2024, phân bổ chưa đảm bảo nguyên tắc tiêu trí bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành, quyết toán, dự án chuyển tiếp, mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến về công tác phân bổ kế hoạch đầu tư công gửi các địa phương nêu trên.
Huy động cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc
Để đạt mục tiêu kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở ngành liên quan thực hiện phân bổ chi tiết theo đúng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công (trước 31/|2/2023).
Trong đó, rà soát thật kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải, theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân; Tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng, đường ven biển và các dự án trọng điểm, tránh phân bố dân trải, không phân bổ vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân. Đồng thời, khẩn trương phân bổ 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong tháng 5/2024 theo đúng yêu cầu của Chính phủ.
Các địa phương cần nhập đủ, kịp thời kế hoạch vốn của từng dự án trên Hệ thống Thông tin thanh toán theo quy định. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng đối với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024. Địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương huy động cả hệ thống chính trị địa phương tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thực hiện. Chỉ đạo các chủ đầu tư, các hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng khẩn trương kiểm đếm, đền bù... để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân cùng thực hiện. Kịp thời báo cáo cụ thể các khó khăn vướng mắc cản trở làm chậm tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc thiếu vốn bố trí cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị ngay khi nhận được kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao (điều chỉnh, bổ sung nếu có), chủ đầu tư, Ban quản lý dự án gửi ngay đến Kho bạc nhà nước để có cơ sở kiểm soát, thanh toán theo quy định.
Đồng thời, chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với quy định về nguyên tắc tạm ứng vốn, bảo lãnh tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hỗi vốn tạm ứng quy định và chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, có hiệu quả.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.
Chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng). Đồng thời, tăng cường việc thanh toán theo hình thức trực tuyến trên Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc nhà nước nhằm tăng tính chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ chuyên ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, sớm trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý các vướng mắc, kiến nghị của địa phương liên quan đến cơ chế, chính sách.