Doanh nghiệp bán lẻ góp phần tạo lập văn minh tiêu dùng
Trong ngành bán lẻ, mỗi doanh nghiệp có mục tiêu, cách làm riêng nhưng đều có điểm chung là mong muốn trở thành doanh nghiệp tầm cỡ, mang lại lợi ích lớn hơn cho người tiêu dùng và góp phần tạo lập văn minh tiêu dùng.
Chuyển dịch thói quen từ chợ đến trung tâm thương mại
Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đã có trên 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, khoảng 9.000 chợ truyền thống cùng hàng ngàn cửa hàng tiện lợi và khoảng 2,2 triệu người bán lẻ đang hoạt động.
Ở mỗi trung tâm mua sắm/trung tâm thương mại (TTTM) đều có sự hiện diện của các nhãn hàng nổi tiếng trong nước và thế giới; các khu giải trí; khu chăm sóc sức khỏe; khu thời trang; khu ẩm thực. Âm thanh, ánh sáng, kiến trúc, công nghệ… không còn chênh lệch nhiều so với các trung tâm mua sắm, TTTM của thế giới.
Trước đây, không ít người từng nghĩ chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới có khả năng xây dựng, vận hành những TTTM hoành tráng, hiện đại. Thế nhưng những doanh nghiệp như Vicom Retail (thuộc tập đoàn Vingroup) đang khiến không ít doanh nghiệp FDI vất vả chạy đua trong việc tạo lập những TTTM. Khởi đầu bằng TTTM đầu tiên trong cả nước (Vincom Bà Triệu) cách đây 15 năm, tính đến hết tháng 3/2019, với 66 TTTM hiện diện tại 38 tỉnh, thành, Vincom Retail đã vượt ngày càng xa các doanh nghiệp khác về diện tích sàn bán lẻ cho thuê và độ phủ ở các tỉnh thành.
Đặc biệt, doanh nghiệp đang giữ vai trò thống lĩnh về diện tích mặt bằng bán lẻ này đã liên tục tạo ra những điểm nhấn lan tỏa văn minh tiêu dùng hiện đại, hình thành nên điểm hội tụ của các nhà bán lẻ uy tín với những thương hiệu, nhãn hàng mạnh ở trong và ngoài.
Cùng với sự phát triển của ngành bán lẻ hiện đại (trong đó có các TTTM), người mua hàng Việt Nam ngày nay đã bớt dần vào chợ truyền thống, bởi phần lớn chợ truyền thống có cơ sở vật chất rất hạn chế, ẩm thấp, luôn có “mùi”, có âm thanh ồn ã đặc trưng. Trái lại, trong các TTTM, ngay tại nhà hàng ẩm thực cũng không ngửi thấy mùi thức ăn; mọi người thư thái mua sắm. Số lượt người mua sắm tại các TTTM trong năm 2018 đã tăng gấp 4 lần so với năm 2010.
Nhiều người Việt không còn ham rẻ mà sẵn sàng chi trả cao hơn để được thỏa mãn cùng lúc nhiều nhu cầu cao hơn... Có thể nói, các nhà bán lẻ hiện đại đã góp phần không nhỏ vào việc tạo lập văn minh tiêu dùng mới, vào cải thiện chất lượng sống của cư dân đô thị ở Việt Nam.
Yêu cầu về chuẩn tiêu dùng mới
Theo mô hình nhu cầu Maslow, các nhà bán lẻ hiện đại đã đáp ứng khá tốt 4 mức nhu cầu của người tiêu dùng Việt (mức 1: Tiêu dùng cơ bản là có hàng hóa để mua sắm; mức 2: Mua sắm an toàn, đảm bảo chất lượng; mức 3: Mua sắm + giao lưu; mức 4: chất lượng dịch vụ mang tính cá nhân, tôn trọng cá nhân người tiêu dùng; và cuối cùng, mức 5 là mua sắm để khẳng định giá trị bản thân). Thậm chí, nhiều nhà bán lẻ đã sáng tạo, tự nâng cấp nhu cầu thực của người tiêu dùng cộng thêm 1, 2 mức cao hơn.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động rất mạnh vào lối sống, hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt. Điều đó buộc các nhà bán lẻ phải đón đầu xu hướng để tạo chuẩn mực tiêu dùng mới, phục vụ tốt hơn như cầu của người tiêu dùng.
Trong giai đoạn này, mô hình Maslow sẽ là sự vận dụng ở 2 nấc cao nhất là mức 4 và 5. Cùng với đó là những xu hướng tiêu dùng mới: tăng trải nghiệm, kết hợp online và offline; sự thâm nhập ngày càng sâu, rộng của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, big data, công nghệ nhận diện hành vi; tính chất kết nối, giao lưu…
Những xu hướng đó buộc các nhà bán lẻ phải đầu tư nhiều hơn, thấu cảm, tinh tế hơn, sáng tạo hơn nữa (kể cả sáng tạo các hình thức trải nghiệm, thiết kế không gian mua sắm sáng tạo…).
Thực tế gần đây những siêu thị giành được giải thưởng danh giá Nhà bán lẻ xuất sắc nhất thế giới là vì đã chú trọng đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, kể cả trải nghiệm đáp ứng cái “Tôi” rất lớn của khách hàng.
Chưa ai biết điểm dừng, đỉnh cao của công nghiệp 4.0 nhưng chắc chắn một điều, trong cuộc cách mạng này, các nhà bán lẻ sẽ phải thiết lập chuẩn văn minh tiêu dùng mới. Đây là thách thức và là sứ mệnh không nhỏ của các nhà bán lẻ hiện đại.
Trọng trách của doanh nghiệp bán lẻ nội
Riêng các nhà bán lẻ trong nước còn có thêm thách thức rất lớn khác về thị phần. Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2035, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12%...
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp trong nước bị FDI thôn tính hoặc chấp nhận liên doanh, góp vốn. Các vụ M&A nổi bật được nhắc đến gần đây là Metro Cash & Cary Việt Nam (gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu EUR) và Big C Việt Nam (32 siêu thị/đại siêu thị) trị giá 1,14 tỷ USD…
Về tiềm lực, khối bán lẻ trong nước hiện nay chỉ có một vài tên tuổi đáng chú ý như Saigon Co.op và 2 doanh nghiệp của Vingroup: Vincom Retail (nhà phát triển, kinh doanh mặt bằng bán lẻ) và Vincommerce (sở hữu các thương hiệu bán lẻ của Vingroup là Vinmart, Vinmart +, Vinpro, Adayroi…).
Trong số này, ở lĩnh vực mặt bằng bán lẻ, niềm hy vọng lớn nhất đang được đặt vào Vincom Retail, đơn vị đang sở hữu trên 1,5 triệu m2 sàn bất động sản bán lẻ ở 66 TTTM. Theo kế hoạch, tầm nhìn của doanh nghiệp này, diện tích sàn bán lẻ và độ phủ sẽ còn tăng lên 79 TTTM ở 42 tỉnh, thành trong năm nay, hứa hẹn trở thành điểm đến tin cậy của các nhà bán lẻ trong nước và thế giới.
Lợi thế khác là Vincom Retail sở hữu những vị trí hấp dẫn và thường bố trí ở khối đế của các chung cư, khu đô thị lớn - đưa khách hàng tại chỗ đến các nhà bán lẻ.
Tuy đã lên sàn chứng khoán nhưng Vincom Retail được thừa hưởng thế mạnh và hệ sinh thái của Vingroup, (trong đó có 6,2 triệu khách thân thiết dùng thẻ VinID). Điều đó hứa hẹn sẽ cùng các nhà bán lẻ trong nước gánh vác trọng trách tại thị trường nội địa thực hiện mục tiêu chiếm 40% thị phần bán lẻ vào năm 2020. Đồng thời cùng tạo lập chuẩn mực, văn minh tiêu dùng ở mức cao hơn, chăm sóc nhu cầu tốt hơn của từng người tiêu dùng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.