Ứng dụng công nghệ, giúp người tiêu dùng có nhiều trải nghiệm
Các chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới năm 2018. Nơi đây tập trung hàng loạt thương hiệu lớn trong khu vực và trên thế giới.
Vậy, làm sao để có thể thúc đẩy ngành công nghiệp bán lẻ cạnh tranh hiệu quả khi có quá nhiều đối thủ vây quanh? Một số chuyên gia khuyến nghị cần áp dụng công nghệ để giúp người tiêu dùng có nhiều trải nghiệm.
Sân chơi rộng mở
Nhắc lại câu chuyện 15 năm về trước, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, kể rằng thời điểm đó không ai nghĩ Việt Nam có ngành công nghiệp bán lẻ, nhưng giờ thì điều này đã định hình. Tuy nhiên, để ngành này tạo dấu ấn, doanh nghiệp nên tập trung vào công nghệ và sáng tạo, vì nếu không thì ngành bán lẻ Việt Nam sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay. Theo ước tính của một số chuyên gia, trong vài năm gần đây mô hình kinh doanh chuỗi ở Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, khoảng 20% - 30%/năm. Đây là con số vô cùng ấn tượng.
Triển vọng ngành bán lẻ theo chuỗi chỉ thành công nếu đáp ứng được quy mô lớn, phương pháp quản trị tốt và có thương hiệu uy tín. Sân chơi rất rộng mở với tỷ lệ phát triển bán lẻ tăng trưởng ở 2 chữ số (hơn 10%), luôn cao hơn tăng trưởng GDP của đất nước từ 1,5 đến 2 lần. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, người tiêu dùng trẻ, năng động, mức đô thị hóa mạnh mẽ, là tiền đề giúp thị trường bán lẻ Việt phát triển mạnh.
Kinh doanh theo chuỗi còn có yếu tố thúc đẩy lớn, đó là tỷ lệ bán lẻ hiện đại còn ở mức khá thấp - chưa đạt mức 30% trên toàn bộ thị trường (gồm siêu thị, đại siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, bán lẻ online…), do đó không gian phát triển bán lẻ hiện đại mà cụ thể là kinh doanh theo chuỗi còn rất nhiều, là mảnh đất tiềm năng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo bà Rebecca Pearson, Phó Giám đốc CBRE châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, là thị trường sản xuất tại khu vực Đông Nam Á, thu hút nhiều tên tuổi lớn đầu tư và đặt nhà máy như Samsung, Adidas… Theo các số liệu thống kê, 80% doanh thu bán lẻ đều đến từ các cửa hàng thực tế (cửa hàng truyền thống), đã cho thấy sức ảnh hưởng của mô hình này.
Chúng ta có thể thấy, các nhà bán lẻ online, thương mại điện tử cũng đang có xu hướng mở thêm các cửa hàng thực tế bằng cách xây dựng hoặc thuê của các nhà cung cấp. Ví dụ như EverLane, KeepLand, Habitat, hay ngay cả Amazon cũng đã triển khai mô hình cửa hàng Amazon 4 Star Store… Điều này không chỉ giúp khách hàng chọn mua sản phẩm trực tuyến thông qua các ứng dụng (App) trên thiết bị di động, mà còn có thể cảm nhận trực tiếp sản phẩm.
Gia tăng trải nghiệm cho khách hàng
Hiện nay, cách tiếp thị truyền thống cổ điển không còn thu hút người tiêu dùng nữa, mà dựa trên trao đổi của khách hàng với người thân, bạn bè. Họ chủ động chia sẻ trải nghiệm, từ đó dẫn dắt người thân tới mua. Khá nhiều doanh nghiệp đều đánh giá trải nghiệm của khách hàng chính là tác nhân, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xu hướng bán lẻ trong tương lai. Ông Chris Dobson, Phó Chủ tịch Viện Thiết kế bán lẻ, thông tin rằng không có ở đâu thay đổi mạnh mẽ bằng châu Á thời điểm này, sự tăng trưởng đổi mới rất nhanh: 50% hoạt động mua sắm hiện nay do truyền miệng, 80% các hoạt động truyền miệng này do trải nghiệm của những khách hàng trước đó.
Dẫn chứng thêm về sức hút trải nghiệm đối với khách hàng trong ngành bán lẻ hiện đại, ông Geoffrey Morrison, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Concept I, nói rằng sản phẩm chỉ là thứ cấp so với trải nghiệm. Ví dụ, cửa hàng Gucci (quận Soho, New York) giúp khách hàng hiểu được phong cách, triết lý cuộc sống của Gucci, với không gian mua sắm lên tới 1.000m2, giúp khách có trải nghiệm ấm cúng như ở nhà.
Hay như ở Cairo (Ai Cập), việc đổi mới hoàn toàn khu trung tâm thương mại giúp cho 185.000m2 trở nên sinh động với không gian khu ăn uống, thời trang đặc sắc, bắt mắt, hấp dẫn khách hàng. Xu hướng bán lẻ mới cho thấy, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, truyền thông số ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai ngành bán lẻ. Công nghệ tạo ra đặc thù độc đáo, tạo sự tương tác của khách hàng với công nghệ số, giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm mọi thứ qua điện thoại thông minh, thậm chí khách hàng có thể tới cửa hàng tự thiết kế, tự lựa chọn rồi đặt món hàng đó.
Bà Rebecca Pearson khuyến nghị, nhà bán lẻ cần không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và ứng dụng công nghệ để mang đến nhiều trải nghiệm đa dạng cho người tiêu dùng. Ví dụ: Nike ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã sử dụng 4.500m2 bán lẻ để người dùng trải nghiệm game và tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm của hãng. Rồi Tiffany ở New York (Mỹ) hay Louis Vuitton cũng vậy. Các trung tâm thương mại có những khu trải nghiệm mới (như khu dạy nấu ăn, trưng bày tượng sáp…) bằng việc tận dụng những phần diện tích trống.
Một nghiên cứu cho thấy 90% khách hàng sẽ mua nhiều hơn vào lần sau, sau khi đến cửa hàng thực tế để nhận hàng đặt mua trực tuyến. Ví dụ trường hợp Uniqlo, khi có cửa hàng doanh số của họ đã tăng 40%. Cửa hàng tạo nên cảm giác thực khi chạm vào sản phẩm và thúc đẩy việc mua sắm tốt hơn.