Doanh nghiệp bắt đầu thiếu nguyên liệu sản xuất

Theo Thanh Thanh/thoibaonganhang.vn

Các ngành sản xuất hàng xuất khẩu như da giày, may mặc bắt đầu chịu áp lực từ dịch bệnh Covid-19.

Chủ động tìm nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu để duy trì đà sản xuất cho doanh nghiệp.
Chủ động tìm nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu để duy trì đà sản xuất cho doanh nghiệp.

Ngày 14/2/2020, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) và Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)… đã gặp gỡ doanh nghiệp trong ngành để tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Theo bà Hoàng Ngọc Ánh, Quyền Tổng thư ký Vitas, hiện nay, các doanh nghiệp dệt may, da giày đang bắt đầu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất.

Bà Ánh cho biết, nhóm sản phẩm dệt may, da giày, túi xách của Việt Nam hiện xuất khẩu đến đến trên 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… với sức tiêu thụ mạnh, nhu cầu đa dạng về chủng loại và nhiều phân khúc. Mấy năm gần đây, doanh nghiệp Việt đã chủ động nội địa hóa sản phẩm khá tốt. Cụ thể như với doanh nghiệp da giày, túi xách, mũ (nón), hiện nhiều doanh nghiệp đã dùng 100% nguyên liệu trong nước; các doanh nghiệp dệt may cũng từng bước nội địa hóa với tỷ lệ trung bình 30% - 40%.

Tuy vậy, hiện vẫn còn rất nhiều loại nguyên phụ liệu (vải đặc chủng, nút, khuy, khóa...) vẫn phải nhập khẩu, mà nguồn cung từ thị trường Trung Quốc chiếm đến 80%. Sự phụ thuộc này đang khiến các doanh nghiệp bắt đầu đối mặt với khó khăn, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp chỉ còn đủ nguyên phụ liệu sản xuất đến tháng 3/2020.

Bà Lê Thị Thảo, hộ may gia công quần jean tại quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nếu dịch bệnh còn kéo dài, thì người sản xuất nhỏ (doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất gia đình) sẽ gặp khó trước tiên. Bởi ngay từ sau Tết Nguyên đán, đầu mối nguyên phụ liệu may đã thông báo giá bán mới các loại vải, nút đồng, dây kéo… đều tăng giá 15% do chưa có được hàng mới. Tuy hiện nay mới là đầu năm, các hộ sản xuất nhỏ chưa làm hàng nhiều, nhưng giá nguyên phụ liệu tăng sẽ làm tăng giá thành phẩm, khó bán hàng, vì vậy trước mắt nhiều hộ sản xuất gia đình chờ đến hết tháng Giêng âm lịch mới bắt đầu nhận đơn hàng trở lại.

Theo Phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) hiện nay bộ này đang tăng cường triển khai các biện pháp hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, chủ động tìm nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu để duy trì đà sản xuất cho doanh nghiệp trong thời gian tới, làm giảm tối đa (nếu có) việc thiếu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu.

Cùng với đó, Bộ Công thương cũng khuyến cáo trong thời gian tới đây, bộ sẽ cùng các doanh nghiệp tích cực chủ động tìm kiếm các nguồn hàng từ các thị trường khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường cụ thể như Trung Quốc. Hiện các doanh nghiệp trong Lefaso và Vitas đang lên kế hoạch tìm nguồn hàng từ doanh nghiệp trong nước thay thế và chủ động liên hệ với một số đối tác như Ấn Độ, Thái Lan… để xem xét việc nhập khẩu nguyên liệu tương đương thay thế.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp thuộc hội hiện vẫn chủ động sản xuất hàng xuất khẩu đến hết quý II/2020, do các đơn hàng này được ký trong năm 2019. Còn hiện tại, các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đã thông báo tạm ngưng giao hàng đến hết tháng 2/2020. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trong 6 tháng cuối năm.

Để sản xuất không gián đoạn, nhiều doanh nghiệp đã ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ nhằm duy trì sản xuất trong nửa đầu năm 2020. Song song đó, là tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu khác... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, nếu dịch bệnh kéo dài, việc phong tỏa xuất nhập khẩu hàng hóa như hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.