Hướng đến mô hình liên kết, xuất khẩu chính ngạch
Gà đến ngày xuất chuồng, giá thu mua giảm 50% so với trước. Rau củ quả tăng giá do cung không đủ cầu; nhiều nhà vườn lao đao vì trái cây không xuất khẩu được. Ngành Nông nghiệp bắt đầu năm 2020 với nhiều lo lắng…
Người chăn nuôi điêu đứng
Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) than thở: “Năm nay gia đình đầu tư chăn nuôi gà quy mô lớn. Tính đến nay, chi phí thức ăn, phòng dịch, chuồng trại đã tiêu tốn khoảng 500 triệu đồng. Cứ nghĩ thị trường sẽ ổn định, không ngờ giá gà rớt thảm quá. Tính ra gia đình lỗ gần 300 triệu đồng”.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Vũ Khắc Vinh (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho biết làm nghề chăn nuôi gà 10 năm nhưng chưa năm nào giá gà bấp bênh như năm nay. Vài ngày trước gia đình ông bán 4.000 con gà chỉ thu được 200 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí bỏ ra để nuôi hết 300 triệu đồng.
Do học sinh, sinh viên được nghỉ học kéo dài, các bếp ăn tập thể ngừng hoạt động khiến giá thu mua gà, heo đều “rớt” thê thảm. Gà công nghiệp (loại 2,5kg/con) giá thu mua giảm từ 25.000 đồng/kg còn 12.000 đồng/kg.
Còn gà để quá lứa (gần 4kg/con) giá chưa đến 10.000 đồng/kg! Giá các loại gia cầm giảm 50% khiến người nuôi đang lỗ khoảng 10.000 đồng/kg. Vậy nhưng, tại chợ truyền thống giá bán gà công nghiệp vẫn rất cao khoảng 50.000 đồng/kg.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra cũng làm giá mặt hàng rau, củ bị đảo lộn. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc hơn 450 triệu USD. Những ngày qua, do nguồn rau củ nhập từ Trung Quốc bị tạm cắt nên thị trường có dấu hiệu thiếu nguồn cung một số loại.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp - Tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), cho biết: “Chúng tôi không gom đủ hàng cung ứng theo hợp đồng đã ký. Sức mua tăng mạnh khiến rau ăn lá, củ, quả đều tăng giá bán. Đặc biệt, do nguồn rau củ nhập từ Trung Quốc bị ngưng, thương lái đổ đến tận vườn của xã viên thu gom rau củ với giá cao hơn, dẫn đến nhiều nông dân phá hợp đồng không cung cấp cho HTX; những mặt hàng tăng sức đề kháng như gừng, chanh, sả… được nhiều người mua nên giá tăng cao, thiếu hụt hàng, gây khó khăn cho các đơn hàng theo hợp đồng”.
Không lệ thuộc quá sâu vào thị trường nào
Trước tình hình “cơn bão” rớt giá đang “quét” qua tỉnh Đồng Nai, trang trại gà của ông Nguyễn Minh Kha vẫn ổn định với giá xuất chuồng 25.000 đồng/kg. Đó là nhờ ông Kha liên kết chuỗi với công ty xuất khẩu gà qua Nhật Bản, cung cấp theo hợp đồng ổn định. Cứ mỗi lần thị trường biến động, mô hình sản xuất - mua bán theo chuỗi liên kết lại cho thấy đây luôn là mô hình an toàn nhất cho người chăn nuôi.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, thời điểm này, ngành điều vẫn có đơn hàng xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, do đi bằng đường thủy nên không ảnh hưởng nhiều so với đường bộ. Các hợp đồng xuất khẩu vẫn ổn định với các đơn vị chọn cách xuất khẩu chính ngạch, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn, bao bì… theo chuẩn quốc tế.
Cùng quan điểm, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, xác định sản phẩm cần sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để đáp ứng thị trường toàn cầu, tránh trường hợp trứng bỏ vào một rổ, chỉ cần rung lắc nhẹ là vỡ hết. Điều quan trọng là tập trung phát triển mô hình chuỗi: doanh nghiệp (DN) nghiên cứu thị trường xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu, sau đó phối hợp nông dân thay đổi phương thức canh tác.
Trước tình trạng nhiều DN bị nông dân phá vỡ hợp đồng, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - chuyên xuất khẩu chuối qua nhiều thị trường, trong đó có Trung Quốc, chia sẻ cách làm của công ty: Ngoài ký kết hợp đồng, cần bỏ vốn hợp tác với nông dân, theo tỷ lệ ăn chia. Do hợp đồng hợp tác, nông dân nhận vốn đầu tư của DN, nên không thể tự ý bán chỗ khác, vì sợ bồi thường theo pháp luật. Nếu ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai, công ty cùng chia sẻ rủi ro với nông dân.
Tương tự, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, cho biết nhờ xây dựng được chuỗi liên kết, nên dù rau củ đang khan hiếm hàng, công ty vẫn đáp ứng đủ nguồn hàng cho đối tác với giá ổn định theo hợp đồng đã ký.
“Sau dịch Covid-19, hy vọng nhiều nông dân nhận ra được lợi ích của chuỗi liên kết mang lại. Nhân cơ hội này, ngành Nông nghiệp Việt Nam tái cơ cấu, đưa ra kế hoạch, giải pháp phát triển sản xuất ổn định, không lệ thuộc quá sâu vào thị trường nào”, ông Nguyễn Lâm Viên đề nghị.
Giải cứu nhà nông theo cách nào?
Theo ông Võ Quan Huy, “giải cứu” nông sản là việc vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia nông nghiệp, và chỉ có người dân- thị trường trong nước, mới giúp nông dân vượt qua giai đoạn này. Sản phẩm “giải cứu” thường chỉ có hàng loại 2, những sản phẩm đạt chất lượng an toàn vẫn được các công ty thu mua.
Hiện nay, các điểm “giải cứu” từ thiện rất ít, do không có mặt bằng. Một số nơi tham gia “giải cứu” nhưng vẫn theo hướng phải có lợi nhuận, nên ép giá nông dân, đã lỗ càng lỗ. Do đó, chiến dịch “giải cứu” nên theo hướng chính quyền thu xếp để các chợ, siêu thị hỗ trợ miễn phí mặt bằng và nông dân tự đưa sản phẩm lên bán, bỏ qua khâu mua bán trung gian, giúp họ thu hồi vốn.