Doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng cho mọi kịch bản của thị trường


Sau nhiều biến động xấu của thị trường, các doanh nghiệp bất động sản trở nên thận trọng hơn trong hoạt động kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều doanh nghiệp nhỏ buộc phải rời thị trường

Sau khoảng thời gian chững lại của thị trường bất động sản, các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư đã và đang đặt ra nhiều kỳ vọng cho sự ấm lên của thị trường vào cuối năm 2023. Đồng thời, họ đã chuẩn bị sẵn những phương án cùng những kịch bản để có thể đối mặt với mọi tình huống sẽ xảy ra.

Ông Hoàng Đức, Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội đưa ra đánh giá, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ khốc liệt hơn năm 2022. Chúng ta sẽ chứng kiến việc bán nhiều hơn mua, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Năm 2023, mục tiêu các doanh nghiệp chỉ cần vượt khó để tồn tại ổn định, còn việc tăng trưởng sẽ là nhiệm vụ của chu kỳ 2024 - 2025.

“Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều gắn với giải pháp là tự cứu lấy mình và trên 80% doanh nghiệp có mục tiêu phương án số 1 là tồn tại. Cụ thể hơn, các đơn vị có nhiều hoạt động đầu tư trong năm qua thì năm nay sẽ cần bán để cơ cấu lại dòng tiền và duy trì hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng đầu tư sẽ không có hoặc rất ít. Vấn đề thanh lọc trên thị trường sẽ tiếp tục diễn ra và dự báo trong khoảng 6 tháng tới đây, 30 - 40% doanh nghiệp nhỏ và lẻ sẽ buộc phải rời khỏi thị trường”, ông Đức nhận định.

Theo khảo sát của PV, các doanh nghiệp địa ốc đều nhận định, năm 2023 thị trường sẽ tiếp tục trải qua những khó khăn và thách thức. Thế nhưng, cơ hội sẽ luôn xuất hiện, vậy nên việc nắm bắt được những thời cơ đó là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp bứt tốc đi lên. Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ Chính phủ, các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản luôn được kỳ vọng sẽ "vẽ" nên một bức tranh thị trường địa ốc tươi sáng hơn.

Sẵn sàng trước kịch bản xấu

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cũng cho rằng, năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn nhưng cũng nhiều cơ hội. Tùy thuộc vào nguồn lực và tham vọng của mỗi doanh nghiệp để họ đưa ra nhận định đó là cơ hội hay khó khăn. Đôi khi, một doanh nghiệp đang trong tình trạng gặp khó khăn nhưng khi có cơ hội họ vẫn chớp lấy.

Theo ông Quê, có 4 trạng thái chính đối với các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023:

Một là, doanh nghiệp đang sống khoẻ, có nguồn lực tốt, họ sẽ xác định thị trường năm 2023 là cơ hội để bứt phá.

Hai là, doanh nghiệp khó khăn, họ sẽ phải co lại, thu hẹp quy mô hoạt động, bán bớt các dự án và giảm các chi phí thường xuyên như văn phòng, nhân viên...

Ba là, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn muốn chớp lấy cơ hội để phát triển.

Thứ tư là, doanh nghiệp quá khó khăn dẫn tới phá sản. 

Với Tập đoàn G6, Chủ tịch Nguyễn Anh Quê cho biết thêm, năm 2020 và 2021 dù chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng đó là 2 năm thành công. Sang năm 2022, G6 gặp khó khăn vào quý II và quý III nhưng quý I và quý IV là vẫn là quý có nhiều sự thuận lợi.

“Từ thuận lợi có được trong 3 năm qua, hiện tại G6 đã tích luỹ được lượng tài sản tương đối lớn và không phải dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng. Tập đoàn không có xu hướng cắt giảm chi phí thường xuyên như chi phí văn phòng, nhân sự nhưng cũng không có xu hướng tăng chi phí thường xuyên. Đối với các dự án, trong năm 2023, G6 cũng mong muốn bán bớt nguồn hàng đồng thời vẫn chớp cơ hội để mua vào với những dự án, sản phẩm phù hợp. G6 hoạt động trên tinh thần, trong khó khăn vẫn tìm cơ hội và khi chớp được cơ hội sẽ bứt phá”, ông Quê chia sẻ.

Để thực hiện được các phương án như định hướng, G6 cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như: Không tăng chi phí thường xuyên; tăng nguồn thu bằng cách bán bớt các sản phẩm cũ; thận trọng trong lựa chọn sản phẩm để có thể mua được những sản phẩm tốt về mặt pháp lý; đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, trong đó có hợp tác bán hàng, hợp tác đầu tư...

Nhìn nhận vào thực tế thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa ra phương án tập trung phát triển các dự án nhà ở với giá bán hợp lý, đáp ứng được nhu cầu ở thực và nằm trong khả năng chi trả của số đông người dân. 

Cùng với đó, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cũng đang dần tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp, cùng các chính sách mới cho nền kinh tế nói chung, đặc biệt là việc nới room tín dụng, hạ lãi suất, người mua nhà có thể tiếp cận được nguồn vốn vay... là động lực để doanh nghiệp vững tin hơn vào tính thanh khoản cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc phát triển dự án một công ty bất động sản tại cùng ven Hà Nội cho biết, hy vọng các chính sách điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp room tín dụng được nới lỏng, dòng vốn vào bất động sản được khơi thông, lãi suất hạ nhiệt để người dân có thể dễ dàng tiếp cận vay mua bất động sản.

Có thể thấy, khi đã xác định đã tham gia vào đầu tư thì doanh nghiệp luôn phải chuẩn bị phương án cho mọi tình huống, sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Ông Sơn cho biết, năm 2023 công ty không đưa ra kế hoạch phát triển thêm các dự án lớn mà tập trung phát triển hoàn thiện dự án đã lên kế hoạch triển khai trong năm 2022, đồng thời có những điều chỉnh để phù hợp nhất với tình hình, diễn biến của thị trường.

"Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi là một trong số những doanh nghiệp bất động sản vẫn có thể đứng vững trên thị trường, nhân sự vẫn được duy trì đảm bảo số lượng cũng như chất lượng. Để duy trì được trạng thái này, kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra sau 2 năm ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và năm 2022 chịu sự ảnh hưởng lớn của nền kinh tế là dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào doanh nghiệp luôn phải chuẩn bị cho mình nhiều phương án để có thể ứng phó với mọi tình huống xảy ra trên thị trường. Cùng với đó, cần có những tính toán linh động để chớp lấy những cơ hội đầu tư”, ông Sơn chia sẻ.

Việc thận trọng hơn trong đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chăn sự bùng nổ đầu tư một cách dễ dãi, thay vào đó ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển bền vững hơn của thị trường.

Theo Thảo Bùi/Reatimes.vn