Năm sống còn của doanh nghiệp bất động sản


Có khoảng 46.145 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong nửa đầu 2023 và 64.185 tỷ đồng đáo hạn trong nửa cuối 2023, gây ra áp lực thanh khoản trả nợ vay cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp (DN) bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn và được vay tín dụng mới nếu có tài sản đảm bảo với lãi suất hợp lý.

Theo đó, năm 2022, DN, thị trường bất động sản gặp khó khăn tác động bất lợi dây chuyền lan sang nhiều lĩnh vực kinh tế và cả vấn đề đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người yếu thế trong xã hội.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, nhiều DN bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%, không lo được lương tháng 13, nửa tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết; nhiều người người dân có nhu cầu nhưng cũng khó tạo lập được nhà ở.

Bên cạnh đó, nhiều DN bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng.

"Dự báo năm 2023 là năm quyết định sống còn đối với các DN bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các DN bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn", ông Châu cho hay.

Hiện nay, bên cạnh khó khăn lớn nhất là vướng mắc pháp lý thì khó khăn tiếp theo là vấn đề trái phiếu DN riêng lẻ đến hạn và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc nhảy nhóm nợ xấu hơn.

Cụ thể là các trường hợp DN có các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn mà nếu không được gia hạn thì bị xếp vào nhóm nợ xấu; DN có các khoản vay tín dụng quá hạn có thể bị nhảy nhóm sang nhóm nợ xấu hơn.

DN có nợ xấu dù có dự án khả thi, tài sản đảm bảo vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu Ngân hàng Nhà nước không cho phép nới lỏng điều kiện vay vốn tín dụng, nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng. Ngoài ra, người mua nhà hiện nay cũng khó vay vốn tín dụng.

Năm 2022 là năm khó khăn, khắc nghiệt nhất đối với thị trường, DN bất động sản. Dự báo, năm 2023 là năm quyết định sống còn đối với các DN bất động sản nên cần có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn, trước hết là giải pháp về tín dụng.

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành thông tư mới tương tự Thông tư 14 cho phép DN bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản đảm bảo và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số thông tư", vị Chủ tịch HoREA kiến nghị.

DN bất động sản giải thể tăng mạnh

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong tháng đầu năm 2023, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có số DN thành lập mới là 338 DN, vốn đăng ký là 18.530 tỷ đồng, giảm 65%; 153 DN giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2022, số DN thành lập mới là 967 DN và số DN giải thể là 130 DN.

Số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2023 là 499 DN, trong khi tháng 1/2022 con số này là 610 DN. Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.448 DN, so với tháng 1/2022, con số này là 941 DN.

Còn theo DKRA Group, năm vừa qua, các tập đoàn, DN bất động sản phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu. Đồng thời, những thông tin tiêu cực từ thị trường cũng như việc vướng các thủ tục pháp lý, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.

Do đó, không ít tập đoàn, DN bất động sản phải chấp nhận thực hiện các biện pháp như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, chủ động cắt giảm bộ máy nhân sự, đáng chú ý một số DN giảm từ 60-70% lượng nhân sự đi kèm với cắt giảm lương. Thậm chí, một số DN buộc lòng phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

Trong khi đó, cũng trong năm vừa qua, số lượng DN thành lập mới trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 13,7% so với năm 2021, tương đương 8.593 DN. Nhưng, số lượng DN bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ và chiếm 6.4% tổng số DN giải thể cả nước; số lượng DN tạm ngừng hoạt động cũng tăng 50,5% so với cùng kỳ.

DKRA nhận định, tình trạng khó khăn của DN gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước. Song song, các DN cũng cần tối ưu chi phí vận hành.

Năm nay, DN bất động sản đứng trước áp lực rất lớn từ việc đáo tráo hạn trái phiếu DN. Có khoảng 46.145 tỷ đồng trái phiếu DN bất động sản sẽ đáo hạn trong nửa đầu 2023 và 64.185 tỷ đồng đáo hạn trong nửa cuối 2023, gây ra áp lực thanh khoản trả nợ vay cho các chủ đầu tư, DN.

Theo Vũ Phạm/nhadautu.vn