Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy về kiểm toán nội bộ
Ngày 1/4/2021 là thời hạn các doanh nghiệp phải hoàn thành các công việc cần thiết để thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định tại Nghị định số 05/2019/NĐ-CP. Ông Ivan Phạm, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam đã chia sẻ về những việc doanh nghiệp cần chuẩn bị để tuân thủ Nghị định số 05.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm và tuân thủ các quy định về kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sau khi Nghị định 05 ra đời?
Ông Ivan Phạm: Sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với kiểm toán nội bộ đang ngày càng lớn hơn do nhu cầu của các nhà đầu tư về tính minh bạch của hoạt động kinh doanh, cơ chế kiểm soát và giám sát chặt chẽ nhưng hiệu quả.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường là các doanh nghiệp tiên phong trong công tác thực hiện kiểm toán nội bộ, ngay cả khi Nghị định 05 chưa được ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đủ quan tâm cũng như hiểu rõ giá trị của bộ phận kiểm toán nội bộ.
Với vai trò là một bộ phận độc lập với các hoạt động của doanh nghiệp, chức năng kiểm toán nội bộ không chỉ dừng lại ở mức kiểm tra tuân thủ, đối phó mà còn đóng vai trò tư vấn để gia tăng giá trị cho doanh nghiệp.
Có thể nói, Nghị định 05 ra đời cho thấy Chính phủ đã rất kịp thời nắm bắt xu thế và từ đó xây dựng các quy định phù hợp, nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch và hiệu quả. Ðiều này cũng góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam được định hướng là một trong những trọng điểm đầu tư ở châu Á.
Chưa đầy 1 năm nữa là đến thời hạn các doanh nghiệp phải tuân thủ yêu cầu của Nghị định 05, ông có thể chia sẻ về những việc doanh nghiệp cần chuẩn bị từ nay đến năm 2021?
Việc đầu tiên mà các doanh nghiệp cần làm là thay đổi quan điểm của lãnh đạo và các bên liên quan về giá trị mà kiểm toán nội bộ có thể mang lại.
Theo đó, doanh nghiệp cần tổ chức các buổi đào tạo kiến thức về kiểm toán nội bộ cho hội đồng quản trị, ban điều hành, trưởng và phó các phòng ban…
Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, chúng tôi nhận thấy vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ.
Trong nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực chủ yếu của kiểm toán nội bộ là kiểm soát tài chính và thực hiện chức năng tuân thủ theo từng sự vụ, do đó chưa làm đúng vai trò của kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế.
Vì vậy, sự hiểu biết về kiểm toán nội bộ và sự ủng hộ của Ban Ðiều hành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và thúc đẩy vai trò của kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp.
Tiếp theo, các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải xây dựng mô hình tổ chức kiểm toán nội bộ sao cho phù hợp với mục tiêu, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp mình.
Từ mô hình đó, thiết lập các quy định và quy chế về phương thức đánh giá rủi ro, lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, báo cáo kết quả kiểm toán, theo dõi sau kiểm toán và khi thực hiện các kiến nghị.
Doanh nghiệp nên tham khảo các thông lệ quốc tế như Chuẩn mực quốc tế về hành nghề kiểm toán nội bộ được ban hành bởi Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) để có thể áp dụng hợp lý nhất với tình hình của doanh nghiệp mình.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực và công cụ cần thiết để tối ưu hóa việc thực hiện kiểm toán nội bộ.
Theo quy định của Nghị định 05, người làm công tác kiểm toán nội bộ không những cần phải sở hữu các bằng cấp chuyên ngành kiểm toán, có kiến thức đầy đủ, phù hợp và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ, mà còn cần phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 3 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 3 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra.
Các khách hàng của tôi cũng chia sẻ khó khăn về việc tìm kiếm nguồn nhân sự khi kiểm toán nội bộ còn khá mới ở Việt Nam, số lượng nhân sự trong ngành kiểm toán nội bộ theo yêu cầu của Nghị định 05 chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho tất cả các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể lên kế hoạch đào tạo, luân chuyển các cán bộ có kinh nghiệm tại các bộ phận vận hành sang vai trò mới, để tận dụng hiểu biết của họ về doanh nghiệp cũng như hoạt động vận hành chi tiết.
Ở giai đoạn này, doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc bài toán giữa việc sử dụng kiểm toán nội bộ nội tại doanh nghiệp (in-house), kiểm toán nội bộ thuê ngoài (outsourcing), hay kiểm toán nội bộ kết hợp (co-sourcing) để giảm thiểu chi phí đối với doanh nghiệp mà vẫn tạo giá trị thặng dư và nâng cao năng lực kiểm toán nội bộ.
Ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong nội tại doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần truyền tải được vai trò và giá trị của kiểm toán nội bộ đến với các cổ đông đại chúng. Ông có khuyến nghị gì đối với doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả việc truyền tải này?
Từ góc nhìn như vậy, doanh nghiệp nói chung và kiểm toán nội bộ nói riêng cần phải thiết lập được kênh trao đổi thông tin hiệu quả với các bên liên quan.
James Harington, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực quản trị tổ chức đã từng nói: “Cái gì mà không đo được thì không hiểu được, không hiểu được thì không kiểm soát được, không kiểm soát được thì không cải thiện được”.
Các giá trị mà kiểm toán nội bộ mang lại, ví dụ đảm bảo về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm soát rủi ro và tuân thủ, giảm thiểu sai phạm hay tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp, dự báo và ứng phó với rủi ro nếu có thể đo lường được hoặc chứng tỏ sự thay đổi tích cực đối với doanh nghiệp sẽ được ghi nhận bởi các bên liên quan.
Và chức năng kiểm toán nội bộ nên đặt việc giao tiếp với các cổ đông hay các bên liên quan khác như một chỉ tiêu đánh giá, từ đó tăng cường việc đối thoại mở để truyền đạt các thành quả đạt được cũng như thách thức về tính hiệu quả trong hoạt động kiểm toán nội bộ.
Chỉ tiêu đánh giá nên được thực hiện định kỳ, sử dụng các công cụ định lượng, định tính để chỉ ra kết quả đạt được cùng với kế hoạch cải thiện các vấn đề trong tương lai.
Hiện nay, cổ đông và nhà đầu tư rất quan tâm đến vấn đề công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp. Theo ông, để tăng niềm tin của công chúng, doanh nghiệp có cần công khai báo cáo kiểm toán nội bộ hay không?
Theo quy định tại Nghị định 05, báo cáo kiểm toán nội bộ phải được lập hàng năm trình bày nội dung kiểm toán, phạm vi kiểm toán; những đánh giá, kết luận về nội dung đã được kiểm toán, từ đó đưa ra các tồn tại và kiến nghị các biện pháp khắc phục sai sót, cải tiến quy trình và xử lý vi phạm.
Báo cáo này phải được gửi đến hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc) của doanh nghiệp cũng như các bên liên quan theo quy định của doanh nghiệp.
Việc công khai báo cáo kiểm toán nội bộ sẽ phụ thuộc vào cơ chế của từng doanh nghiệp, song việc minh bạch hóa sẽ giúp doanh nghiệp đạt được sự tin tưởng của các bên liên quan theo đúng 3 nguyên tắc của kiểm toán nội bộ tại Nghị định 05. Ðó là tính tuân thủ, tính độc lập và tính khách quan.
Hiện tại, trên thế giới, báo cáo kiểm toán nội bộ thường chỉ dùng cho nội bộ công ty và cũng không có yêu cầu phải công khai ra bên ngoài.